Lê Thị Riêng - Người phụ nữ của phong trào phụ nữ miền Nam

16/10/2008
Chị sinh năm 1925 tại xã Vĩnh Mỹ, quận Gia Rai, tỉnh Bạc Liêu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông lại mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ, chị phải chịu mọi nỗi cay đắng của cô gái con nhà nghèo trong một xã hội thuộc địa đầy bất công.

Lúc hơn 10 tuổi, chị được gia đình người chú họ đem về nuôi và cho ăn học đến hết chương trình tiểu học, sau đó học nghề dệt. Một tuổi thơ sống trong cảnh cô quạnh nhưng khi trưởng thành lại là người phụ nữ giàu tình cảm và có nghị lực. Ngay từ nhỏ, phải chứng kiến cảnh thối nát của bọn thực dân phong kiến, chị sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1940, những hoạt động yêu nước của các chiến sỹ cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Ngọc Hiển... đã dẫn dắt chị đi tìm lý tưởng cách mạng. Năm 16 tuổi, chị đã được giác ngộ và trở thành chiến sỹ cách mạng với tên “Hai Riêng”.

Năm 1945, chị tham gia Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu và trở thành cán bộ lãnh đạo phong trào phụ nữ. Năm 1947 chị được chuyển về làm Trưởng Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Cuối năm 1948, chị tình nguyện lên miền Đông xây dựng cơ sở và thành lập Ban cán sự phụ nữ các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Tây Ninh. Trong những năm tháng công tác, dù ở nông thôn hay thành thị, vượt qua mọi khó khăn vất vả, chị đi lại như con thoi giữa các vùng để vận động phụ nữ, mở các lớp huấn luyện chính trị, giáo dục về nuôi dạy con, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội, xây dựng cơ sở vững chắc. Năm 1949, chị tham gia Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ, làm Phó Hội trưởng phụ nữ cứu quốc miền Đông Nam bộ.

Năm 1953, chị lập gia đình. Chồng chị là Lê Trọng Tam cũng là một chiến sỹ cách mạng (năm 1960 bị địch sát hại). Trong cuốn nhật ký chị đã viêt “...Trong 7 nămtrời chung sống, từ ngày 3/5/1954 đến tháng 4/1960, bao tình nghĩa sâu nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên cuộc đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ chùn bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly...”. Chị sinh được hai người con trai. Sau khi chồng chị hy sinh để thuận lợi cho chị công tác, hai con chị đã được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập. Không có người mẹ nào muốn phải xa con nhưng chị đã chấp nhận khó khăn, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Năm 1954 sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chị tiếp tục vận động phụ nữ Sài gòn và các tỉnh tham gia phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài phát xít của bè lũ Mỹ Diệm. Năm 1961, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam ra đời, chị được bầu vào Ban chấp hành TW Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam và là thành viên trong Uỷ ban TW Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chị tham gia tổ chức thành công hai kỳ Đại hội của Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam và tại Đại hội 2 (1965), chị đã được bầu là Phó Hội trưởng.

Chị cũng là người có đóng góp tích cực cho sự ra đời của tờ báo Phụ nữ giải phóng. Chị đã viết những bài xã luận sắc sảo củatờ báo và cũng là người viết bản tổng kết công tác phụ vận với những quan điểm rõ ràng về công tác vận động phụ nữ. Hoàn cảnh khó khăn đến mấy cũng phải có tổ chức quần chúng và đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

Với cương vị là một lãnh đạo của phong trào phụ nữ miền Nam, chị Riêng luôn đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, luôn quan tâm chăm lo đến quyền lợi của phụ nữ, dành nhiều công sức đề gây dựng phong trào phụ nữ miền Nam. Chị hết lòng thương yêu cán bộ, chia sẻ những lúc khó khăn nên chị đã giành được sự kính phục, yêu mến của các cấp lãnh đạo và chị em phụ nữ.

Tháng 5/1967, trong một chuyến đi công tác chẳng may chị bị sa vào tay địch, kẻ thù đã biết rõ chị là một nữ cán bộ cách mạng, chúng tìm mọi thủ đoạn dụ dỗ nhưng chị quyết không khai báo. Chúng đã dùng những trận đòn tra tấn hết sức dã man như dùng lửa đốt cháy các đầu ngón tay..., nhưng chị luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản. Không khuất phục được chị, chúng đã ám hại chị vào đềm 2/10/1968 cùng với một số chiến sỹ cách mạng.

Chị Lê Thị Riêng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. 40 năm chị đã đi xa nhưng chị luôn là tấm gương sáng ngời, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Tên tuổi của chị đã gắn với những tên đường, tên phố... để nhắc mỗi chúng ta sống và làm việc sao cho xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay tươi sáng.

Dương Thuỷ
Bảo tàng PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video