Lớp học may "Chị tôi"

30/08/2013
Lớp học may công nghiệp “Chị tôi” tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là lớp học nghề do TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo tổ chức với sự tài trợ của Mega We Care.

Lớp học được tổ chức ngay tại xưởng may của cô giáo Ngô Thị Trường, đồng thời là chủ doanh nghiệp trẻ. Lớp có 30 học viên, trong đó có 26 chị là người K’ho và Châu Mạ. Hầu hết các chị đều đã kết hôn và là người gánh vác chính kinh tế trong gia đình. Nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, 18 chị thuộc hộ nghèo,1 chị thuộc hộ cận nghèo, còn lại đều chưa có việc làm. Đặc biệt có ba chị em: Ka Hen, Ka Bọc, Ka Hằng đều bị câm điếc, gia đình có mẹ đã già yếu và một người anh bị tâm thần. Chị Ka Hạnh một mình nuôi ba con đang tuổi ăn học,…..

Trong lớp, một số chị emkhả năng nghe tiếng phổ thông còn hạn chế, hầu như từ trước đến nay chỉ làm vườn cà phê tại nhà, chưa từng ra khỏi địa phương. Tuy nhiên với nguồn thu nhập từ cà phê, cuộc sống của các chị và gia đình vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do chị em hầu hết đều làlao động chính trong gia đình nên để đảm bảo chị em vừa có thể học nghề, vừa lo được công việc gia đình, ban tổ chức lớp học bố trí lịch học đan xen vào các buổi thứ 3, 5, 7 trong tuần. Hiện tại, lớp học đã duy trì được hai tháng, trong tổng số ba tháng của chương trình.

Để tổ chức được lớp học nghề gắn với tạo việc làm và thu nhập, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dạy nghề Bảo Lâm và Doanh nghiệp tư nhân Thiên Trường Phát đóng trên địa bàn xã Lộc Nam, trong đó, Trung tâm Dạy nghề Bảo Lâm chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống máy may công nghiệp và bàn cắt phục vụ cho lớp học. Doanh nghiệp Thiên Trường Phát chịu trách nhiệm đảm nhận việc dạy nghề và lo công việc cho các học viên sau khi kết thúc lớp học. Mặt khác, trong các giờ học đều có cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Nam và huyện Bảo Lâm tham gia quản lý, giúp đỡ các học viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cũng cử cán bộ thường xuyên theo dõi và giám sát lớp học.

Chính vì vậy, từ những ngày đầu còn nhút nhát, bỡ ngỡ, không dám vận hành máy may, thậm chí có chị còn run khi thấy giáo viên đứng bên cạnh thì đến nay, các chị em học viên đã mạnh dạn hơn rất nhiều, khi thấy khó đã biết hỏi để giáo viên chỉ bảo. Trong quá trình học, giáo viên đã bố trí các chị em tiếp thu nhanh hơn ngồi kết hợp với các chị em tiếp thu chậm để các chị em cùng giúp nhau học tập. Đến nay sau hai tháng, 11 chị đã có thể may được trọn vẹn một sản phẩm áo sơ mi. Để tạo điều kiện cho học viên, cô giáo Ngô Thị Trường đã giao hàng cho chị em may để tăng thêm thu nhập. Chị Mai Thị Mỹ Hạnh, 35 tuổi mặc dù đang trong thời gian học nghề nhưng 2 tháng nay chị đã có thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Chị tâm sự, sau này sẽ cố gắng may nhanh hơn để may được nhiều sản phẩm, tăng thêm thu nhập để nuôi các con ăn học. Cô giáo Ngô Thị Trường cho biết, cô dự định sẽ tiếp tục mở các lớp học tương tự để giúp cho chị em phụ nữ ở đây có thêm cơ hội được học nghề và tạo điều kiện sắp xếp công việc tại xưởng may của mình để các chị tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nguyễn Thị Thu Thủy, Ban TC TW Hội

TÂM ĐIỂM

Video