Một nghề thì sống, đống nghề có trăm triệu

02/10/2017
Nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, người phụ nữ dân tộc Tày Dương Thị Lan đã “phất lên” thành tỷ phú.

Người ta thường nói “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với bà Dương Thị Lan ở bản Tại, xã Tân Lập (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) thì lại khác. Nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, người phụ nữ dân tộc Tày này đã “phất lên” thành tỷ phú.

Bỏ cả chỉ vàng mua… 1 cuốn sách khuyến nông

Vượt hơn 90km đường đèo dốc từ TP.Yên Bái ngược về xã Tân Lập (Lục Yên), chúng tôi đến nhà bà Dương Thị Lan khi trời đã nhá nhem. Niềm nở đón tiếp chúng tôi là một phụ nữ tuổi ngoài 50, vóc người nhỏ nhắn, nước da trắng hồng như thiếu nữ 18. Bà là Dương Thị Lan – nông dân Việt Nam xuất sắc 2017. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, ít ai nghĩ bà Lan từng trải qua những năm tháng lam lũ, vất vả với ruộng, nương, rừng rú. Vẻ “thật thà như đếm” hiển hiện qua từng lời nói, cử chỉ của người phụ nữ Tày dám nghĩ, dám làm này.

Theo lời bà Lan, bà chăn nuôi lợn từ năm 1989, nhưng phải gần chục năm sau mới thực sự thành thạo và có thể sống tốt với nghề “ăn cơm nằm” này. Năm 1998, bà được thương lái ở tỉnh Vĩnh Phúc bán cho một cuốn sách về chăn nuôi và cách phòng chống dịch bệnh cho lợn... với cái giá “cắt cổ”: 500.000 đồng (tương đương 1 chỉ vàng thời điểm đó).

“Từ ngày lập gia đình, tôi bận tối tăm mặt mày, có thời gian đi đến đâu đâu mà biết giá cả thế nào nên người ta lấy bao nhiêu thì mình trả. Vả lại, lúc đó tôi rất cần phải bổ sung kiến thức nuôi lợn... nên mua luôn không chút đắn đo. Sau này, tôi mới biết là mình mua đắt gấp nhiều lần giá thực tế. Nhưng nhờ quyển sách đó, mà tôi nuôi lợn lứa nào cũng có lãi...” - bà Lan nhớ lại.

Có “bí kíp” trong tay, bà Lan mở rộng chuồng trại chăn nuôi với quy mô hơn chứ không nuôi nhỏ lẻ như trước. Khu chuồng trại nhà bà chia làm 2 dãy, với nhiều ngăn phù hợp. Ngăn nhốt lợn nái sinh sản, ngăn thì nuôi lợn thương phẩm. Không bán giống, lợn nái sinh sản bao nhiêu, bà giữ lại nuôi toàn bộ. Trong chuồng nhà bà thường xuyên có khoảng 10 con nái giống nội và giống ngoại và gần 100 lợn thịt. Được chăm sóc tốt, cho ăn đủ chất dinh dưỡng nên đàn lợn nhà bà sinh trưởng, phát triển tốt.

Nói về kỹ thuật nuôi lợn, bà Lan cho biết: Muốn lợn phát triển tốt, phải thực hiện phòng dịch bệnh ngay từ khi lợn con mới đẻ. Trước khi lợn nái đẻ 3 ngày, phải cho uống Quá nãi khang (một loại thuốc phòng bệnh cho lợn). Sau khi lợn con đẻ được 24 giờ phải tiêm thuốc chống sưng phù đầu và tiêu chảy; đến khi lợn con được 7 ngày tuổi thì tiêm thuốc lần hai...

 “Việc cho lợn ăn cũng rất quan trọng, phải đảm bảo chế độ với từng lứa tuổi của lợn. Với lợn nái, cho ăn 70% cám viên, 30% cám nấu (ngô, sắn, lúa nghiền, trộn đều), còn với lợn từ 30kg trở lên thì cho ăn theo khẩu phần ngược lại. Trước khi cho lợn ăn, phải vệ sinh chuồng trại... Như vậy lợn mới mau lớn, sớm bán được tiền” – bà Lan nhấn mạnh.

Cho đến giờ, bà Lan đã “nằm lòng” kỹ thuật nuôi lợn như lòng bàn tay. Bà nhớ từng mục, nội dung từng trang trong quyển sách hướng dẫn mà bà bỏ cả chỉ vàng để mua về. Từ cách làm chuồng trại, vệ sinh, chế độ cho ăn... đến triệu chứng và cách phòng dịch bệnh ở lợn bà nói vanh vách không cần phải giở sách ra xem. Từ nhiều năm nay, mỗi năm bà Lan bán ra thị trường hơn 6 tấn lợn hơi, thu hơn
200 triệu đồng.

Ý chí làm giàu chưa bao giờ tắt

Sau 6 năm lập gia đình, vợ chồng bà Lan được bố mẹ cho ra ở riêng. Với vỏn vẹn 6 sào ruộng khoán, cuộc sống gia đình bà khi đó gặp muôn vàn khó khăn. Con nhỏ, chồng bà làm cán bộ địa chính – xây dựng của xã nên bà phải gánh vác mọi việc, từ chăm sóc con cái cho đến việc đồng áng ruộng, nương, nuôi lợn...


Bận bịu là vậy, nhưng ý chí làm giàu chưa bao giờ tắt trong suy nghĩ và hành động của người phụ nữ này. Năm 1996, bà mạnh dạn nhận khoán 5ha đất để trồng rừng bồ đề. Hơn 1ha đất đồi sau căn nhà sàn rộng rãi của gia đình bà cũng phủ kín màu xanh bạt ngàn của cây quế và bồ đề.

Theo bà Lan, trồng rừng quế, bồ đề tuy không vất vả, song những năm đầu cũng khá mất thời gian cho chăm sóc, làm cỏ, tỉa cây... Sau 6 năm trồng, bồ đề cho thu hoạch, thương lái đến tận nơi thu mua với giá hơn 100.000 đồng/khối, tùy theo vanh gỗ. Với cây quế phải mất 10 năm sau khi trồng mới có thu nhập. Những năm trước, quế bán không được giá cao nên nhiều người chặt bỏ. 3 năm trở lại đây, quế được giá, hơn 30.000 đồng/kg quế khô, thương lái còn mua cả lá... nên nhiều người quay lại trồng. “Mỗi kỳ bán quế, bồ đề, gia đình tôi thu được vài trăm triệu đồng... Điều đáng mừng là trồng bồ đề, quế không phải lo chỗ tiêu thụ, thu nhập cũng khá cao, nhờ đó chúng tôi có thể sống tốt từ nghề rừng” – bà Lan tâm sự.

Cũng từ năm 1996, bà Lan mua máy xay xát về làm dịch vụ phục vụ nhu cầu của bà con trong bản, trong xã và gia đình. “Hồi mới mua máy xay xát, có ngày gia đình tôi kiếm cả triệu đồng. Cả nhà ai cũng vui. Hồi đó chưa có điện, phải chạy bằng máy nổ. 8 năm ròng rã, tôi phải quay máy nổ...” – bà Lan cho biết thêm.

Không phải ai cũng có thể quay máy nổ bởi nó không chỉ nặng mà còn rất nguy hiểm, không cẩn thận rất dễ sứt đầu, mẻ trán. Ấy vậy, người phụ nữ chân yếu, tay mềm như bà Lan lại có thể làm được trong nhiều năm liền. Nghị lực của bà đã khiến nhiều người dân trong vùng phải nể phục.
“Trước đây, tôi làm việc Nhà nước nên không giúp được gì nhiều cho vợ tôi. Bà ấy một mình xoay sở, mày mò, đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Biết nơi nào có mô hình kinh tế hay, bất kể xa hay gần, trong huyện, trong tỉnh thậm chí cả những tỉnh dưới xuôi... bà ấy cũng tìm đến học tập, sau đó về áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình” – ông Hứa Thành Vích (chồng bà Lan), cho biết.

Từ năm 2014, thấy bà con trong bản khá chật vật khi gia súc đau ốm, cấy cối mắc bệnh, bà Lan tiếp tục mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. “Từ khi kinh doanh thức ăn gia súc đến nay, tôi chủ yếu là bán chịu cho người dân. Bà con mua cám về nuôi lợn, nuôi gà; mua phân về bón cho cây cối; sau khi bán sản phẩm mới thanh toán...” – bà Lan chia sẻ.
Vươn lên thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng, bà Lan thấu hiểu được những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của bà con trong bản, trong xã nên giúp được gì là bà giúp ngay. Ngoài cho vay phân bón, thức ăn gia súc, bà còn giúp đỡ nhiều hộ trong bản về giống, kỹ thuật chăn nuôi...

Bà Lan đang có cả chục con trâu, mấy chục con dê cho các hộ nông dân nghèo trong bản nuôi rẽ. Bà bảo: “Nông dân nghèo thì dù có ý chí làm ăn cũng khó mà có vốn để mua gia súc. Vì thế, tôi đã chủ động tạo vốn bằng cách nuôi rẽ cho họ. Bây giờ trong bản này có hộ đã có tới 1-2 con trâu, hơn chục con dê từ lợi nhuận do nuôi rẽ gia súc với tôi đấy. Mình có điều kiện, phải giúp bà con cùng thoát nghèo thì làng bản mới vui vầy, ấm cúng”.

Những con số ấn tượng của gia đình bà Dương Lan: Cấy 8 sào ruộng lúa; gần 6ha rừng; chăn nuôi trâu, lợn, dê, gà, vịt; dịch vụ xay sát, phông rạp, bát đĩa; kinh doanh phân bón, thức ăn gia súc... đạt hơn 1,799 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, bà Lan thu lãi hơn 800 triệu đồng.

hoinongdan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video