Nâng cao năng lực Trung tâm hỗ trợ kết hôn các tỉnh/thành Hội

19/03/2007
Thống nhất một kế hoạch hành động tổng thể, xuyên suốt 5 năm hoạt động trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ hôn nhân quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Trung tâm kết hôn các tỉnh/thành Hội

là nội dung được đưa ra bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo định hướng Dự án hỗ trợ hôn nhân quốc tế do Hội LHPNVN phối hợp với Trung tâm văn hoá phụ nữ Việt Nam (TTVHPNVN) tại Hàn Quốc tổ chức trong 2 ngày 14,15/3/2007 tại trụ sở T.W Hội LHPN Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê của TTVHPNVN tại Hàn Quốc, hiện nay tại Hàn Quốc có trên 13% nam giới Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài (vùng nông thôn chiếm 30%), trong đó đối tượng kết hôn chủ yếu là phụ nữ Việt Nam. Xu hướng này có chiều hướng ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2005 là 5.822 trường hợp (chiếm 18,7% tổng số trường hợp kết hôn với người nước ngoài) thì đến năm 2006 tăng lên 6.100. Nhiều phụ nữ Việt Nam có cuộc sống hạnh phúc tại Hàn Quốc, tuy nhiên đa phần gặp khó khăn do bạo lực gia đình và các vấn đề khác.

 

Nhằm giúp phụ nữ Việt Nam hoà nhập, có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động môi giới bất hợp pháp, Văn phòng hỗ trợ hôn nhân Quốc tế (IMSO) trực thuộc Hội LHPN Việt Nam ra đời có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu với T.W Hội và các cơ quan Chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến hôn nhân quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động Trung tâm các tỉnh/thành Hội đã thành lập; xúc tiến hỗ trợ thành lập các trung tâm mới. Trước mắt, giai đoạn 1: hỗ trợ nâng cấp điều kiện làm việc cho 10 trung tâm đã có quyết định thành lập; giai đoạn 2: hỗ trợ cho 10 trung tâm mới. Dự kiến 5 năm có khoảng 40 trung tâm được thành lập và hỗ trợ hoạt động.

 

Mặc dù thành lập cách đây không lâu (từ năm 2003) nhưng đến nay đã có khoảng 2.700 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thông qua Trung tâm hỗ trợ kết hôn các tỉnh/thành Hội. Tuy nhiên, con số này so với thực tiễn còn khiêm tốn và còn nhiều trường hợp kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, dẫn đến hôn nhân bất hạnh, nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có một mô hình trung tâm hỗ trợ kết hôn có đầy đủ tính pháp lý, có sự trao đổi thông tin, mối liên hệ thường xuyên 2 chiều và thực hiện đúng luật pháp của 2 nước.

 

Tại Hội thảo, đại biểu đại diện Hội LHPN, Sở Tư pháp các tỉnh/thành và Trung tâm hỗ trợ kết hôn 11 tỉnh/thành Hội đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi thống nhất nội dung và cơ chế phối hợp hoạt động, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy các Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó giúp các cô gái Việt Nam cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn với người nước ngoài trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, một vợ một chồng.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video