Nét đẹp phụ nữ Thủ đô: Giữ nghề truyền thống đất Kinh kỳ

26/09/2018
Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến gần trọn cuộc đời. Mỗi người theo một ngành, một nghề nhưng đều có chung trái tim yêu Hà Nội.

Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến gần trọn cuộc đời. Mỗi người theo một ngành, một nghề nhưng đều có chung trái tim yêu Hà Nội. Để rồi, với khả năng của mình, họ đã, đang đóng góp, cống hiến sức lực, góp phần xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh mà văn hiến…

5 thế hệ chế tác kim hoàn

Không có cửa hàng mặt phố, nhưng ngôi nhà của cụ bà Hoàng Thị Khuê nằm sâu trong con ngõ 114 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm lại được nhiều người tìm tới mỗi khi có nhu cầu mua đồ bạc. Cụ Khuê là một trong những nghệ nhân cao niên, am hiểu nghề chế tác kim hoàn vẫn còn “sót lại” của phố nghề Hàng Bạc.

Cụ Khuê sinh năm 1935, là con gái một chủ hiệu tơ lụa ở phố Hàng Đào. 19 tuổi, cụ về làm dâu gia chủ hiệu vàng Nghĩa Lợi ở phố Hàng Bạc. Ngày đó, việc chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc của gia đình chồng cụ rất tấp nập. Trong nhà có khoảng 3 đến 4 thợ chế tác chính cùng hàng chục thợ khác tại các xưởng. Đây là nghề gia truyền của gia đình, tính đến đời cụ Khuê là 4 thế hệ. Chính cụ Khuê cũng được mẹ chồng dạy nghề, sau đó cùng chồng tiếp quản cửa hiệu Nghĩa Lợi. Các anh em chồng của cụ thời đó đều có cửa hàng bán đồ mỹ nghệ riêng trên phố Hàng Bạc. 

Khoảng những năm đầu 60 của thế kỷ trước, gia đình cụ Khuê tạm dừng nghề gia truyền. Cụ Khuê đi làm tại xí nghiệp dệt hơn 20 năm, cho tới khi về hưu được mấy năm, cụ quyết định tìm về với nghề xưa. Đó cũng là giai đoạn đất nước mở cửa, người dân đã có của ăn của để nên có điều kiện nghĩ tới việc mua trang sức làm đẹp cho mình hoặc để tích trữ. Cửa hàng mặt phố không còn, cụ Khuê đặt một chiếc tủ kính nhỏ ở đầu con ngõ 114 Hàng Bạc, bày bán chuyên về các đồ trang sức bằng Bạc do gia đình cụ sản xuất.

Hàng Bạc, xưa là phường nghề đúc bạc, một trong số ít phố nghề thủ công truyền thống hiện còn hoạt động khá sầm uất. Dọc con phố có nhiều cửa hàng chế tác kim hoàn vẫn sáng đèn từ sáng tới đêm khuya. Nhưng, “ô tủ lấp lánh đồ trang sức bạc” của cụ Khuê vẫn có sức hấp dẫn riêng bởi khách hàng tin vào triết lý kinh doanh của cụ.

“Tôi được mẹ chồng dạy, dù buôn bán mặt hàng gì cũng phải có Tâm, Đức, giữ được chữ Tín. Đồ trang sức của nhà tôi chủ yếu được làm từ bạc Việt Nam nguyên chất, tuyệt đối không trà trộn bạc kém chất lượng, không nguồn gốc”. Không chỉ thế, cách bán hàng của cụ Khuê và con cháu cũng toát lên nét thanh lịch của người Hà Nội. Các sản phẩm đều được gia đình niêm yết giá rõ ràng, khách không cần mặc cả, không sợ bị mua hớ. Khách chỉ đến xem hàng mà không mua vẫn được gia chủ chỉ dẫn và đón tiếp vui vẻ. 

Ngoài các loại trang sức bạc truyền thống như bộ kiềng, vòng, nhẫn, hoa tai… để bắt kịp thị hiếu khách hàng, mỗi năm, cụ Khuê lại sáng tạo, cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm bạc mới với mẫu mã, hoa văn cũng hiện đại hơn. Đó có thể là đồ lưu niệm mang bản sắc Việt Nam như chiếc nón lá, bát, đũa, hộp đựng trầu in hình hoa sen… phục vụ du khách ngoại quốc mua về trưng bày, hay sợi dây chuyền có hình hoa sen, hoa cúc… đậm chất Hà Nội. Ngoài ra, nhiều du khách còn tìm đến tận nhà đặt cụ làm theo mẫu riêng, hoặc đưa ra ý tưởng rồi sau đó cụ sẽ giúp họ chế tác ra sản phẩm ưng ý. 

Cụ Khuê cho biết, hiện, máy móc đã giúp người thợ làm bạc giải phóng được sức lao động. Tuy nhiên, đồ bạc muốn đẹp vẫn phải được chế tác bằng tay. Người thợ thủ công phải cực kỳ tỉ mỉ, khéo léo, bỏ nhiều công sức chạm, đục từng nét hoa văn trên sản phẩm, hay có những sợi dây chuyền, phải tỉ mỉ se từng sợi bạc nhỏ mới thành. Hiểu và yêu nghề như vậy, nên chỉ cần lướt qua một sản phẩm bạc, cụ Khuê có thể biết sản phẩm đó được làm ra như thế nào, bằng tay hay bằng máy, có sự dụng công của người thợ không, chất lượng tốt hay xấu. Ở tuổi ngoài 80 nhưng ngọn lửa đam mê nghề làm bạc dường như chưa bao giờ tắt trong người phụ nữ Hà Nội ấy.

Điều cụ Khuê mừng nhất là con trai và con dâu của cụ đã kế thừa và trở thành thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghề truyền thống. Cụ Khuê thường nói với các con: “Tổ tiên đã có nghề quý thì con cháu đời sau cố gắng giữ lấy nghề”. 

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video