Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8

14/08/2012
Xoa dịu nỗi đau da cam

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hằng (phường Quang Trung, TP Nam Định) khi chị vừa đi làm đồng về. Chỉ vào căn nhà 3 gian còn thơm mùi vôi, chị cho biết, ngôi nhà được xây từ đầu năm 2011 do bà Trần Thị Thanh (sinh năm 1956, TP Nam Định) và đồng đội giúp đỡ.

Trước đây, vợ chồng chị đều vào miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, họ xây dựng gia đình, hai đứa con lần lượt ra đời nhưng cả hai đều oặt ẹo, dị tật. Bác sĩ cho biết, hai con chị bị ảnh hưởng của chất độc da cam và không thể chữa khỏi. Thu nhập của gia đình bốn miệng ăn chỉ trông vào hai sào ruộng khoán, lại phải chữa bệnh cho con nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Căn nhà nhỏ của gia đình dột nát đã lâu, chuyện vợ chòng, con cái đèo bồng xin trú nhờ giữa đêm khi có mưa bão như cơm bữa. Chị cũng muốn sửa chữa nhưng không biết lấy tiền ở đâu. Hay tin, bà Thanh đến thăm hỏi, đồng thời phát động anh chị em cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trong thành phố giúp đỡ gia đình chị Hằng. Sau 3 tháng phát động, bà thu được gần 30 triệu đồng cùng với đóng góp ngày công, vật chất của người thân, láng giềng, căn nhà 3 gian đã được hoàn thành.

Gia đình chị Hằng chỉ là một trong số hàng trăm gia đình khác có con em bị nhiễm chất độc da cam đã được bà Thanh giúp đỡ. Tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà bà Thanh giúp mỗi cách khác nhau.

Năm 1973, bà Thanh làm đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam khi 17 tuổi. Đơn vị của bà chiến đấu khắp nơi từ chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên đến tuyến đường 9 Nam Lào... Năm 1976, bà xuất ngũ. Chứng kiến nhiều đồng đội đơn thân sống lay lắt qua ngày trong những túp lều tranh, biết con của họ bị nhiễm chất độc da cam bà không cầm được nước mắt. Bà tự nhủ mình phải làm một việc gì đó để giúp họ, nhưng cho tiền với vài đồng lương của bà thì giúp được bao nhiêu người, quan trọng nhất là họ phải có việc làm. Từ suy nghĩ đó, bà mạnh dạn vay vốn mở trang trại chăn nuôi bò và trồng nấm sò. Mỗi năm, bà trích một nửa tiền lãi thu được dành cho hoạt động từ thiện. Ngoài đóng góp của mình, bà đi vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp vật chất, tiền bạc giúp đỡ gia đình các nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

“Nobel châu Á” cho người phụ nữ bán rau

Đó là bà Chen Shu Chu 62 tuổi, một phụ nữ bán rau bình dị ở khu chợ Đài Đông, Đài Loan (Trung Quốc). Suốt hơn 20 năm qua, bà Chen đã hết lòng vì công việc từ thiện, bà giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn từ chính thu nhập tại của hàng rau củ của mình. Lòng từ thiện của bà đã mang lại một cuộc sống mới cho nhiều người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Chính vì điều đó, Ban tổ chức giải thưởng Ramon Magsaysay của Philippines, giải thưởng được xem là “Nobel châu Á”, đã trao tặng danh hiệu này cho bà Chen vì những việc làm cao cả của bà.

Trong một thông cáo báo chí được phát đi, Ban tổ chức giải thưởng cho biết, bà Chen được vinh danh vì lòng vị tha thuần túy mang tính cá nhân, phản ánh sâu sắc lòng từ bi hỉ xả giữa con người đối với con người.

Trong vòng 2 thập niên qua, bà Chen đã quyên góp được hơn 231.800USD để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền này được gửi đến các quỹ hỗ trợ giáo dục, quỹ chăm sóc y tế nhằm xây dựng nơi ở, thư viện... cho các trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi do bệnh tật.

Bà Chen từng được Tạp chí Forbes khu vực châu Á xếp vào danh sách 48 nhân vật giàu lòng từ thiện nhất châu Á - Thái Bình Dương, từng được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong năm 2010.

Mồ côi mẹ khi mới 13 tuổi, bà Chen đã cùng cha trông coi sạp rau nuôi các em ăn học. Thấy hoàn cảnh nhiều đứa trẻ khổ sở như các em mình, bà lại dành dụm tiền giúp đỡ. Gần 50 năm qua, ngày nào bà cũng tất bật từ 3 giờ sáng đến 8 giờ tối. Bà chỉ nghĩ đơn giản hôm nào giúp được ai, tối đó về nhà ngủ ngon hơn.

Theo Phụ nữ Việt Nam (PD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video