Nghệ An: Nữ cán bộ Biên phòng dân vận khéo

14/10/2019
Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An là hạt nhân thúc đẩy công tác hội phụ nữ tại xã biên giới Môn Sơn hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

ab3n_11a

Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh gội đầu cho học sinh dân tộc Đan Lai

Trên cương vị công tác, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An đã bám sát địa bàn, nắm tình hình, tham mưu chỉ huy đơn vị có các biện pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Chị trở thành hạt nhân thúc đẩy công tác hội phụ nữ tại xã biên giới Môn Sơn hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nhân dân trong vùng đã quen, trân quý với hình ảnh nữ cán bộ Biên phòng miệng nói, tay làm này.

Về xã biên giới Môn Sơn, chúng tôi nghe người dân nhắc nhiều đến Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh với những việc làm rất thiết thực đối với cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh nghèo dân tộc Đan Lai ở 2 bản Cò Phạt và Búng. Thầy, cô giáo và học sinh Trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn không còn xa lạ gì với nữ quân nhân Biên phòng Nguyễn Thị Trần Thanh bởi hơn 1 năm trở lại đây, chị Thanh đã sát cánh với nhà trường trong công tác vận động giữ học trò Đan Lai ở lại trường học chữ. 

12l6_11b

Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh vận động các nhà hảo tâm tặng quà các gia đình khó khăn trên địa bàn

Trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn có 478 học sinh, trong đó, 70 em học sinh bán trú là con em của đồng bào Đan Lai ở bản Cò Phạt và Búng, nằm ở thượng nguồn sông Giăng theo học. Các em được hưởng chế độ bán trú, được ăn, ở miễn phí trong khu nội trú nhà trường, thế nhưng, nhiều em vẫn trốn học giữa chừng bỏ về bản. Dù thầy, cô giáo đã tìm nhiều biện pháp, nhưng vẫn không ngăn chặn được việc học trò Đan Lai bỏ học bất thường. Được điều động lên công tác ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh nhiều lần tham gia cùng giáo viên nhà trường vượt rừng đi tìm học trò trở lại lớp.

Chị nhận ra rằng, những đứa trẻ nơi đây chịu quá nhiều thiệt thòi về vật chất, tinh thần. Nói là ở bán trú được ăn, ở miễn phí, nhưng trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn thì các em cũng chịu thiếu thốn trăm bề, từ quần áo, chăn màn tới những nhu cầu sinh hoạt cá nhân tối thiểu. Là người mẹ, chị hiểu rằng, đây là nguyên nhân chính khiến các em bỏ học về nhà. Vì lý do đó, chị đã mạnh dạn tham mưu để chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường tổ chức lại việc ăn, ở, học tập cho các em học sinh bán trú người Đan Lai.

Từ đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Môn Sơn đã giao Đội Vận động quần chúng phụ trách việc học tập của con em đồng bào Đan Lai mà yêu cầu tiên quyết là không để học sinh bỏ học. Nữ quân nhân Nguyễn Thị Trần Thanh là một trong những thành viên cùng giáo viên nhà trường bố trí lại nơi ăn ở, học tập cho các em học trò người Đan Lai, “bám trường” duy trì giờ giấc, sinh hoạt cho 70 học sinh. Những ngày đầu tiên, thầy, cô giáo và cô, chú bộ đội gặp khó vô cùng, khi đám học trò gần như không chịu làm theo “hiệu lệnh” mà cứ lầm lũi, xa lánh. Không chấp nhận “thua cuộc”, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh tìm cách gần gũi các em.

Chị mua cho các học trò nữ những dây buộc tóc xinh xinh, mua cho học trò nam quả cầu, quả bóng để chúng chơi. Rồi chị hướng dẫn các em gội đầu, chải tóc, đánh răng... Không chỉ vậy, Thiếu tá Thanh còn liên hệ xin 2 chiếc ti vi để các em xem vào thời gian ngoài giờ lên lớp. Sau gần 3 tháng kể từ đầu năm học mới, các em học sinh người Đan Lai đã dần quen với nền nếp mới, việc học tập đang ngày một tiến bộ. 

Khi nói về vai trò của những người lính Biên phòng, đặc biệt là Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Môn Sơn cho biết: “Trước đây, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các em học sinh tộc người Đan Lai đến trường, nhất là địa bàn 2 bản Búng và Cò Phạt. Các em thường tự nghỉ học về nhà không xin phép và theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhưng từ khi có cán bộ Biên phòng “bám trường”, trong đó có tình cảm đặc biệt của chị Thanh hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, lao động, thể dục, thể thao..., các em đã cơ bản làm quen với cách sinh hoạt, ăn ở quy củ, ngăn nắp, an tâm với việc ăn, học tại trường...”.

Không chỉ vậy, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn là hạt nhân đưa  phong trào của chi hội phụ nữ ở những bản của xã biên giới Môn Sơn đi vào hoạt động nền nếp, thiết thực, ý nghĩa. Từ đó, phụ nữ ở địa phương luôn đoàn kết, quan tâm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động sản xuất. Họ cùng nhau góp vốn giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

“Nhà tôi khó khăn lắm, cán bộ Thanh đã kêu gọi phụ nữ trong xã mua tặng tôi 1 con bò giống. Rồi chị còn vào tận nhà hướng dẫn trồng rau, chăn nuôi lợn. Tôi cũng đang cố gắng học tập làm được nhiều điều hay như chị Thanh để cuộc sống con, cháu mình đỡ vất vả” - bà La Thị Nguyệt, tộc người Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn chia sẻ. Được biết, nữ quân nhân Biên phòng Nguyễn Thị Trần Thanh còn thông qua mối quen biết cá nhân kêu gọi các mạnh thường quân lên xã biên giới tổ chức trung thu, tặng quà cho học sinh và các hộ gia đình nghèo khó.

Khi nói về những việc làm của mình, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh cho biết: “Tôi đã có gần 25 năm quân ngũ, trong đó, phần lớn thời gian phụ trách công tác hội phụ nữ ở cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. Khi nhận nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, tôi cũng đến với bà con bằng tấm lòng, hành động thiết thực với mong muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé cho vùng đất còn nhiều khó khăn này”.

www.bienphong.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video