Nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

21/04/2016
Được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với ĐH Chung Ang (Hàn Quốc) thực hiện thành công Dự án nghiên cứu “Xây dựng Kế hoạch chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020”. Dự án được thực hiện trong vòng 1 năm, kể từ tháng 7/2015. Nghiên cứu “thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao tại miền Bắc Việt Nam” là một hợp phần quan trọng của dự án.

Mục tiêu của Nghiên cứu là phân tích thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao (NNLNCLC) ở miền Bắc Việt Nam làm cơ sở xây dựng Kế hoạch chiến lược đào tạo NNLNCLC, phát huy tốt tiềm năng của lao động nữ, đáp ứng xu thế hội nhập, đảm bảo công bằng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ.

Nghiên cứu thực trạng tại 5 tỉnh/thành của miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Hơn 1.000 bảng hỏi định lượng, 35 phỏng vấn sâu, 16 phỏng vấn nhanh, 5 tọa đàm và 3 nghiên cứu trường hợp đã được thực hiện. Các cán bộ Hội Phụ nữ, đại diện các ban, ngành liên quan ở địa phương, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã nhiệt tình cung cấp các thông tin hữu ích phục vụ nghiên cứu này.

Xuất phát từ thực tế nghiên cứu cho thấy, ngoài những tiêu chuẩn chung về sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng làm việc, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, lao động nữ chất lượng cao còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công việc và khả năng lao động sản xuất của mình. Điều này đặt ra đòi hỏi đối với sự thay đổi trong chương trình đào tạo nghề dành cho lao động nữ.

Ngoài phát hiện trên, kết quả nghiên cứu còn cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Thu nhập được coi là yếu tố then chốt trong việc lựa chọn nghề của lao động nữ trong doanh nghiệp. Trong khi đó, lý do lựa chọn nghề chủ yếu của lao động nữ địa phương là để phù hợp với điều kiện gia đình. May mặc và da giày là nhóm nghề có tỉ lệ đã qua đào tạo cao nhất của mẫu khảo sát. Sản xuất, chế biến sợi, vải, giày da, may mặc cũng là mhóm nghề được lao động nữ lựa chọn để học nghề nhiều nhất. Công tác dạy nghề tại các địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập; hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ chưa cao.

Kết quả nghiên cứu là cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc phân tích, đề xuất chính sách, đồng thời xây dựng chiến lược kế hoạch đào tạo NNLNCLC như mục tiêu đề án đã đề ra.

Hội thảo cuối kỳ báo cáo kết quả Dự án hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và ĐH Chung Ang sẽ diễn ra tại Học viện Phụ nữ Việt Nam vào ngày 21/4/2016

Theo: Kim Anh, Thúy Hằng, Báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video