Người đàn bà khổ hơn “chị Dậu”

14/05/2009
Trên chiếc sạp tre ọp ẹp, chị Huỳnh Thị Rìu (53 tuổi) nằm thở dốc vì những vết thương hành hạ, 3 đứa con ngớ ngẩn xúm quanh thút thít khóc: “Mạ ơi, mạ đừng bỏ tụi con!”.

Chị đau khổ đưa cái nhìn về mấy đứa nhỏ, hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, xạm đen. Chúng tôi không nén nổi cảm xúc khi bước chân vào căn nhà mục nát nằm trơ trọi giữa nghĩa địa thuộc đội 10, thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

Số phận ngược đãi

 

Sinh ra trong gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì của xã, 6 anh em chị Rìu chẳng ai được học hành. Để kiếm cái ăn, lúc lên 7 chị đã phải đi mót lúa, nhặt củi… và đó cũng chính là cái nghề theo chị cho đến bây giờ. 

 

 

Năm 23 tuổi chị lấy chồng, buổi rước dâu diễn ra lúc chạng vạng tối để trốn chạy cái lễ nghi trình làng. “Đám cưới tụi nó gặp khi cơn đói quay quắt, bà con đến chúc phúc ai cũng chạnh lòng, chỉ có dăm ba câu chúc tụng cho phải phép chứ có tiền mừng, quà cáp chi mô” - ông Trần Cát, hàng xóm của chị Rìu nhớ lại. Đôi vợ chồng trẻ lầm lũi làm lụng mong có ngày được ngẩng mặt nhìn mọi người nhưng những trận đau ốm thường xuyên của anh Chiến chồng chị khiến họ vẫn lận đận chìm trong cái nghèo, cái đói.

 

Một năm sau ngày cưới, đôi vợ chồng nghèo hớn hở đón nhận đứa con trai đầu lòng. Đứa trẻ sinh ra gầy gò, đau oặt ẹo cho đến khi tròn 10 tháng tuổi thì rời bỏ anh chị. Anh Chiến buồn bã đi lang thang như người mất hồn, còn chị Rìu thì gào khóc đến ngất lịm không biết bao nhiêu lần. Bà con an ủi, láng giềng động viên hàng tháng trời hai vợ chồng mới nén nổi đau, tiếp tục sống để hi vọng vào ngày mai...

 

Những lần sinh nở sau này, vợ chồng chị Rìu vẫn không thoát khỏi trò đùa dai dẳng của tạo hoá. Bé Trần Thị Hạnh sinh năm 1985, lúc lên ba bị một trận ốm nặng, hai vợ chồng bất lực nhìn con chảy nước mắt vì không có tiền chạy chữa. Chị Rìu thều thào kể: “Gần cả tuần nó không ăn không bú, toàn thân tím tái trơ xương, vợ chồng tui chỉ còn biết cầu trời khẩn Phật cứu giúp. Con bé chết đi sống lại mấy bận rồi cũng qua khỏi nhưng mấy năm sau nó bị ngớ ngẩn, mất hẳn trí nhớ”. Phải đến 10 năm sau, hai vợ chồng mới dám sinh thêm đứa nữa nhưng rồi bé Trần Thị Phúc cũng chịu chung số phận như người chị của mình.

 

Đến lần sinh thứ tư, vợ chồng chị Rìu mới có được đứa con khoẻ mạnh bình thường là cháu Trần Cường. Nhưng khi cháu Cường được 1 tuổi thì anh Chiến lâm bệnh qua đời, để lại cho chị người mẹ già không còn sức lao động và đàn con ngây dại. Bao nhiêu khó khăn, đói khổ lại nhân lên gấp bội, gánh củi hàng ngày của chị Rìu kiếm được không thể xoay đủ cho gia đình 5 miệng ăn.

 

Vẫn chưa dừng lại, năm 2006 mẹ anh Chiến già yếu qua đời khi trong nhà không có cắc bạc. Chị phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, nhờ cậy bà con lối xóm để lo đám tang bà cụ được chu toàn cho phải phận con dâu. “Mẹ chồng cũng như mẹ đẻ, tui không lo lắng đàng hoàng thì mang tội suốt đời với người chồng nơi chín suối” - giọng chị ngậm ngùi. Đến bây giờ, chị vẫn chưa trả hết số nợ để lo việc hiếu hảo từ 3 năm trước.

 

Tai hoạ ập xuống

 

Sinh nghề tử nghiệp, mới đây chị Rìu vào rừng kiếm củi như mọi khi thì bị trượt chân đập đầu vào đá nhọn, máu chảy nhuộm đỏ cả vạt áo sờn bạc. Không ai nghe được tiếng kêu cứu, chị cố lết ra đến đường mòn thì ngất xỉu vì mất nhiều máu. Những người đi rừng gặp phải hoảng hốt đưa chị đến Bệnh viện huyện Phú Lộc nhưng do vết thương quá nặng, chị phải chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế để chữa trị. Một ngày sau chị mới tỉnh lại, hai hàng nước mắt của chị chảy dài yếu ớt gọi con khiến những người có mặt ai cũng quặn lòng.

 

Những ngày chị Rìu nằm viện, hàng xóm thay nhau nấu cơm cho mấy đứa nhỏ nhưng cả ba đều không chịu ăn mà chỉ đòi mẹ. Cứ chập choạng tối, bé Phúc lấy tấm hình của chị Rìu nói với Hạnh và Cường: “Bữa ni mạ không về nữa rồi, chỉ còn mạ trong ni thôi” rồi 3 chị em ôm nhau khóc nức nở.

 

Gần tuần sau, chị Rìu xin xuất viện phần vì nhớ con quằn quoại, phần vì không lo nổi tiền viện phí. Hàng xóm góp nhau người năm ba ngàn, người vài lon gạo giúp chị trong cơn khốn khó. Cầm quà của mọi người, giọng chị run run: “Ân tình này mạ con tui không bao giờ quên được!”, rồi chị xúc động trào nước mắt.

 

Hay tin chị Rìu gặp nạn, ông Lê Minh Thuyên (trưởng thôn Lê Thái Thiện) đến thăm và chia sẻ với chúng tôi: “Đây là hoàn cảnh nghèo khó nhất thôn, địa phương cũng quan tâm nhiều nhưng chủ yếu về mặt tinh thần chứ vật chất chẳng có là bao. Ở đây toàn là dân nghèo lao động lấy đâu ra tiền để mà giúp đỡ, mong sao những tấm lòng hảo tâm xa gần biết được và giúp mẹ con chị Rìu qua cơn hoạn nạn”.

 

Tâm nguyện lớn nhất của chị Rìu là có thể đưa cháu Cường học hành đến nơi đến chốn để sau này còn lo hương khói cho ông bà tổ tiên và chăm sóc hai người chị tật nguyền. Chị níu tay tôi than thở: “Ông trời cho khoẻ mạnh tui còn xoay trở được, đằng này đau ốm như ri không biết mần răng để cho thằng Cường đi học, thôi thì gắng được đến mô hay đến đó...”. Nói rồi chị với tay dưới gối lấy ra tấm bằng khen học sinh giỏi của cháu Cường cho chúng tôi xem và quên hẳn những cơn đau đang hành hạ, tôi hiểu được rằng đó chính là niền tin duy nhất để chị tiếp tục sống và hy vọng...

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Huỳnh Thị Rìu - nghĩa địa thuộc đội 10, thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đông Lưu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video