Những chiến sĩ áo bà ba, khăn rằn làm nên Đồng khởi

18/03/2015
Về tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm Đội quân tóc dài và 50 năm phong trào Ba đảm đang do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, vẫn giản dị trong trang phục áo bà ba đen, khăn rằn quàng cổ, đại diện những chiến sĩ “Đội quân tóc dài” làm nên phong trào Đồng khởi năm xưa không giấu nổi niềm xúc động vui mừng. Những mái đầu bạc, bàn tay run ôm lấy nhau, tay bắt mặt mừng, ôn lại những kỉ niệm một thời đấu tranh gian khó, hiển hách.

Bà Ca Lê Du: Tham gia Đội quân tóc dài khi mới ngoài đôi mươi, bà Ca Lê Du năm nay đã ngoài 80 tuổi- hồi tưởng lại: Bà là người tham gia đấu tranh trực diện, trực tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh trong phong trào đồng khởi tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sau năm 1954, cả gia đình bà trong diện tập kết ra Bắc nhưng với tinh thần, ý chí cách mạng, nhận được sự phân công của Đảng, cô gái Ca Lê Du hừng hực khí thế chiến đấu đã nguyện ở lại sát cánh với đồng bào miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong những năm tháng chiến tranh, bà liên tiếp phải gánh chịu những nỗi đau mất mát to lớn: năm 1968, người em trai của bà là nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) hy sinh; nỗi đau chưa nguôi ngoai thì đến năm 1970, chồng bà cũng hy sinh trong một trận đánh. Trước đau thương mất mát không gì bù đắp nổi, nước mắt bà chảy không biết bao nhiêu mà kể, nhưng nghĩ đến tổ chức, đến truyền thống cách mạng của gia đình và lòng căm thù giặc sâu sắc bà đã biến đau thương thành sức mạnh quật khởi, tập hợp chị em lãnh đạo phong trào và kiên định chiến đấu. Bà tự hào cho biết, Đội quân tóc dài là một đội quân đặc biệt khi mà các chiến sĩ trong Đội quân vừa chiến đấu giỏi vừa tăng gia sản xuất, không chỉ tự nuôi sống mình mà còn chi viện lương thực cho bộ đội. Tay nâng niu chiếc khăn rằn bà bảo, đây là một trong những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam bộ, đặc biệt là phụ nữ tỉnh Bến Tre. Nó còn là biểu tượng của phong trào Đồng khởi, được sử dụng như một ám hiệu trong chiến đấu. Với mỗi mục đích sử dụng khác nhau, chiếc khăn rằn lại thể hiện giá trị khác nhau: lúc là ám hiệu trong chiến đấu, lúc dùng là vật che nắng, che mưa khi bị địch bắt phơi ngoài trời, còn khi bị địch tra tấn, chiếc khăn được dùng làm đồ để băng bó vết thương. Nói đến khăn rằn người ta nhớ ngay tới phong trào Đồng khởi, đến những người phụ nữ “năm xưa đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về” khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thị Vân Lan

Bà Nguyễn Thị Vân Lan: Là đại biểu đội quân tóc dài đến từ thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Vân Lan không chỉ dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu mà khi hòa bình lập lại, bà lại bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước. Bà nguyên là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam -, Đà Nẵng. Bà đã vinh dự được phong tặng 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II, 1 Huân chương lao động hạng II và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Khi về hưu bà vẫn hoạt động tích cực góp phần xây dựng quê hương và luôn hướng về phong trào phụ nữ. Bà xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước và TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt để các bà các mẹ các chị lại được tề tựu ôn lại những ngày gian khó qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam. Bà cũng đề xuất kiến nghị: Đảng, Nhà nước cần đánh giá đúng mức, vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới, có như vậy thì mới động viên được lực lượng trên nửa phần dân số này đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, các chủ trương, chính sách đối với phụ nữ để tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai của xã hội và vai trò của gia đình. Cần quan tâm đề bạt sử dụng đội ngũ cán bộ nữ để tương ứng với lực lượng lao động nữ, tăng tỷ lệ nữ trong Quốc hội, tỷ lệ nữ trong Hội đồng Nhân dân các cấp so với hiện nay. Bà tha thiết mong muốn TW Hội LHPN Việt Nam và đặc biệt là các ngành, các văn nghệ sĩ có những phương thức để đưa việc tuyên truyền những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam vào nhiều tác phẩm Văn học, nghệ thuật, phim ảnh, sách báo, tài liệu, từ đó tác động đến giới trẻ tự nhiên hơn, sâu sắc hơn, giúp họ hiểu và phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đi qua cuộc chiến gian khổ, giờ đây, nhiều bà, nhiều chị trở về với đời thường phải mang theo những di chứng khốc liệt của chiến tranh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Việc quan tâm giải quyết tốt các chế độ chính sách đối với phụ nữ từng tham gia phong trào “Ba đảm đang” ở miền Bắc và “Đội quân tóc dài” ở miền Nam nói riêng và tham gia hoạt động cách mạng trong kháng chiến nói chung là rất cần thiết. Các chính sách này đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị- xã hội trong đó có Hội LHPN Việt nam quan tâm, từng bước bổ sung thực hiện để bày tỏ sự ghi nhớ công ơn của toàn Đảng, toàn dân đối với những hy sinh, cống hiến của các bà, các chị cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nguyễn Thị Dịu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video