Những dấu ấn trong lĩnh vực lao động - xã hội năm 2018

04/01/2019
Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những điểm sáng trong lĩnh vực lao động - xã hội. Đó là: nỗ lực tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước; phê chuẩn CPTPP với những cam kết chính về lao động của Việt Nam…

* Nỗ lực tri ân người có công

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 -27-7-2018), nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, thương binh và người có công đã diễn ra khắp cả nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ tại địa chỉ www.thongtinlietsi.gov.vn. Sau gần ba tháng triển khai, VNPost đã thu thập được thông tin của gần 847 nghìn mộ liệt sĩ tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được cán bộ, nhân viên VNPost Nam chụp lại. Thông qua việc thu thập dữ liệu từ địa chỉ chi tiết, tọa độ, người liên hệ, Bưu điện Việt Nam cũng lập danh sách số mộ liệt sĩ chưa biết tên cần khắc lại bia là hơn 53 nghìn mộ; mộ cần rà soát bổ sung thông tin là gần 136 nghìn mộ.

Cả nước hiện còn 3.234 trường hợp diện tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đến nay, đã công nhận được 1.250 liệt sĩ, hơn 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, các hồ sơ cần hoàn thiện gửi về địa phương để bổ sung, hoàn thiện, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho các đối tượng. Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 16.520 trường hợp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Báo Nhân Dân, các cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2018, với sự tham gia của 355 đại biểu người có công tiêu biểu trên cả nước.

* Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35%

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn khoảng 5,35%, giảm 1,35% so với cuối năm 2017.

 

Theo đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%, tương đương mức giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 - 4% so với năm 2017.

Hiện nay, tám huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. 38 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 21 xã thuộc Chương trình 135). 14 huyện không còn hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a nữa. Theo Quyết định 1722/2016 của Chính phủ và theo Nghị quyết 30a, phấn đấu đến năm 2020, 50% số huyện thuộc diện Nghị quyết 30a ra khỏi tình trạng khó khăn.

* Phê chuẩn CPTPP và cam kết chính về lao động của Việt Nam

Ngày 12-11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP nằm ở Chương Lao động và Thư trao đổi.

 [Infographic] Cam kết chÃnh về lao động của Việt Nam trong CPTPP

Cam kết chung về lao động trong CPTPP nằm ở Chương Lao động (chương 19) của CPTPP. Trong đó, Điều 19.3 quy định các bên sẽ “thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn” những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO), bao gồm: (a) tự do liên kết và thương lượng tập thể; (b) xóa bỏ lao động cưỡng bức; (c) xóa bỏ lao động trẻ em; (d) xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Ngoài ra, Điều 19.3 cũng quy định các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Cam kết riêng của Việt Nam về lao động trong CPTPP được thể hiện trong Thư trao đổi của Bộ trưởng Công thương Việt Nam với Bộ trưởng của 10 nước, gồm bốn đoạn. Cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (cam kết chung) trong Chương Lao động kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam.

Thứ hai, Đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) liên quan tới các cam kết chung trong Chương Lao động, các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian ba năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Thứ ba, Đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) đối với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian năm năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Thứ tư, Trong thời gian từ khi CPTPP có hiệu lực năm năm đến trước khi CPTPP có hiệu lực bảy năm, các vấn đề liên quan tới vi phạm cùa Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội sẽ tiếp tục được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng Lao động của CPTPP theo Điều 19.12.

Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

* Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba

Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến 25-10.

 Thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại AMMW-3


AMMW-3 mang chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025”. Trước thềm Hội nghị AMMW-3, các Hội nghị của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) lần thứ 17, Hội nghị Ủy ban Phụ nữ ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bàn, Hàn Quốc) cũng diễn ra. Song song với đó là một loạt các cuộc họp, hội nghị, đối thoại của Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của Phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) và của ACW với Liên hiệp châu Âu cùng các đối tác về tăng cường quyền năng kinh tế.

Trong ASEAN, kể từ năm 1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức hơn 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

AMMW-3 là cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015.

Trong phiên họp của AMMW-3, trên cơ sở báo cáo của Cuộc họp Ủy ban Phụ nữ ASEAN lần thứ 17 và các hoạt động liên quan trong những ngày vừa qua, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban này, trong đó ghi nhận các sáng kiến và thành tựu khu vực đạt được trong lĩnh vực hợp tác về phụ nữ.

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố chung của AMMW-3 tại Việt Nam. Tuyên bố tập trung vào các nội dung chính, bao gồm đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm; tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video