Những mô hình hiệu quả của phụ nữ trong nông nghiệp

17/04/2015
Dựa vào điều kiện riêng của địa phương mình gắn liền với sinh hoạt Hội để xây dựng những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, phụ nữ Thái Bình và phụ nữ Hậu Giang tuy cách xa về địa lý nhưng lại rất gần về ý tưởng.

Mô hình “Cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ” ở Thái Bình
Xã An Châu, huyện Đông Hưng là xã thuần nông, nghề phụ chậm phát triển, người dân An Châu có truyền thống trồng cây màu, cây vụ đông nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí bỏ ra nhiều mà hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2012 khi xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, Hội LHPN xã đã đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới bằng việc vận động hội viên phụ nữ xây dựng “Cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ”. Với mục tiêu một năm cho 2 vụ lúa, xen canh cây rau màu để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và tăng việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, mô hình nhận được sự hưởng ứng cao của chị em. Để triển khai mô hình, BCH chi hội phụ nữ xã đã phối hợp chặt chẽ với HTX nông nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về gieo cấy, chăm sóc các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao và cây rau màu trọng điểm. Vụ lúa đầu tiên (chiêm xuân 2013), hội viên tham gia rất đông, nhưng năng suất lúa thấp, kết quả không như mong muốn khiến nhiều gia đình hội viên chán nản muốn quay trở lại cấy giống lúa dài ngày truyền thống. BCH Hội đã tập trung phân tích, xác định nguyên nhân là do hội viên vẫn giữ thói quen canh tác truyền thống, chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao. Rút kinh nghiệm, Hội Phụ nữ xã tăng cường phối hợp với HTX nông nghiệp tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật theo hướng “cầm tay, chỉ việc” đồng thời đi đến từng nhà hội viên tuyên truyền vận động để họ kiên trì cấy giống lúa chất lượng cao. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Hội đã được hội viên tin tưởng bằng việc diện tích vụ hè thu được mở rộng hơn trước và năng suất lúa cao đạt từ 2,3 - 2,5 tạ/sào. Tiếp đà thành công của lúa cao sản ngắn ngày, Hội LHPN xã đã mở liên tục nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây rau màu; áp dụng công thức luân canh rau màu: mướp đắng xuân - mướp đắng hè - Cải bắp sớm - Rau muộn xen canh với hai vụ lúa. Cây bí đỏ, bí xanh trở thành cây chủ đạo trong vụ đông vì không tốn nhiều công sức chăm sóc. Sản phẩm đầu ra được BCH hội phụ nữ tìm và ký hợp đồng thu mua với một số công ty chế biến lương thực thực phẩm trong và ngoài tỉnh nên thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua tại ruộng đến đó. Không mất chi phí vận chuyển, bảo quản, cây bí xanh bí đỏ chi khoảng 400.000đ/sào/vụ nhưng cho thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/sào/vụ. Thu nhập từ cây vụ đông gấp ba lần thu nhập từ vụ lúa nên 170 ha đất trồng cây vụ đông của xã đã được phủ kín một màu xanh. Tổng thu nhập của mô hình 4 vụ khoảng từ 200 triệu đến 240 triệu/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, hội viên còn có lãi từ 110 - 130 triệu đồng/ha. Trước kết quả đó, hội viên và bà con nông dân vô cùng phấn khởi. Năm 2014, xã An Châu được đón bằng công nhận về đích nông thôn mới. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của hội viên, phụ nữ xã với mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ. Hội LHPN xã còn vinh dự được báo cáo thành tích tại Hội nghị tổng kết 5 năm mô hình Dân vận khéo do Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.

Mô hình trồng ấu hiệu quả ở Hậu Giang

 Ảnh minh họa

 Mô hình trồng ấu ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang


Thuận Hưng là một xã thuộc vùng trũng của huyện Long Mỹ. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch đất bị ngập nước, việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn lại cho năng suất thấp nên đa phần người dân bỏ vụ. Trước tình hình đó, hội PN xã đã kết hợp với các ban ngành đoàn thể vận động hội viên và bà con không bỏ vụ mà chuyển sang canh tác cây trồng khác, trong đó có cây ấu. Đặc tính cây ấu là loài thủy sinh, dễ trồng, điều kiện thích nghi rộng lại có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch nhiều đợt. Trồng ấu tốn ít công chăm sóc, ít đầu tư phân bón và ít sâu bệnh. Ấu giống không cần phải chọn lọc kỹ như những cây trồng khác mà chỉ cần cấy củ đã già xuống bùn, ấu sẽ mọc cây và ra củ. Nắm được đặc điểm sinh trưởng của cây ấu, sau khi thu hoạch lúa vào tháng 5 âm lịch, bà con tiến hành chặn nước ngâm bùn cùng rạ lúa khoảng một tuần để tạo chất mùn và làm cho bùn ruộng mềm ấu sẽ nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt, kịp thu hoạch, giải phóng đất để trồng lúa vụ đông xuân. Trong nhiều loại ấu thì ấu nếp được người dân rất ưa chuộng vì đây là loại ấu cho nhiều củ, thơm và to. Ấu nếp thu hoạch vào thời gian tháng 9 đến tháng 10 hằng năm phù hợp với thời gian đất ngập nước không canh tác lúa được, năng suất bình quân khoảng 1.000 - 1.200kg/1.000m2. Đa số nông dân trồng ấu cho biết: nếu so với trồng khoai, bắp, thì trồng ấu cho thu nhập cao hơn nhiều. Theo giá ấu hiện nay, từ 5.000 - 8.000 đồng/1kg, thì mỗi công ruộng (1.000m2) trồng ấu sẽ thu được từ 6 - 8 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, một số hộ còn kết hợp trồng ấu và nuôi cá (cá lóc, cá rô đồng, cá chép..) cho lợi nhuận cao. Mô hình trồng ấu kết hợp nuôi cá được xem là mô hình lấy ngắn nuôi dài, khi áp dụng bà con nông dân sẽ tận dụng lượng dinh dưỡng từ thân cây ấu để làm thức ăn cho cá, tiết kiệm một khoảng chi phí đầu tư khá lớn, lợi nhuận cũng tăng gấp nhiều lần. Đây là mô hình mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Long Mỹ và các địa phương có điều kiện đất đai tương tự ở Hậu Giang sẽ tiếp tục vận động hội viên trong địa bàn nhân rộng mô hình nhằm giúp chị em tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Hồng Huệ, Nguyễn Thiên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video