Nỗi khát khao của người mẹ

23/06/2009
Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe.
Ca dao)

Ai sống trên đời cũng cần có một người đồng hành, một người để san sẻ, để chung vai trên con đường đầy chông gai. Vậy nhưng đâu phải ai cũng có được may mắn ấy. Có người phụ nữ đã phải một mình chèo chống, lái con thuyền cuộc đời, với bao đắng cay, cơ cực. Đó là cảnh ngộ của chị Sim ở thôn Duyên Trữ (Thuỵ Duyên, Thái Bình). Chị đã đi qua gần năm mươi năm cuộc đời mình như thế.

 

Bố qua đời năm chị 16 tuổi. Hai anh trai đi bộ đội. Mình chị chăm lo cho mẹ già và hai em nhỏ. Rồi hai anh lập gia đình, các em cũng lớn và đi bộ đội, mẹ qua đời. Chị giật mình nhìn lại. Tuổi thanh xuân đã lặng lẽ đi qua từ bao giờ. Chị lại một mình trong căn nhà lá nhỏ bố mẹ để lại, sống cuộc sống một mình lẻ bóng.

 

Niềm vui sống của chị là hai đứa cháu nhà người em út. Chị đã chăm bẵm, nựng nịu chúng bằng tất cả tình yêu thương như để bù đắp lại bản năng của một người mẹ trong chị bị kìm nén. Nhưng rồi chúng cũng lớn, cũng dần rời xa vòng tay chị. Chị lại một mình thui thủi. Cũng có người muốn hỏi chị về làm vợ nhưng vì nhiều lí do mà chị lại tiếp tục lỡ dở. Ngày tháng trôi đi vô tình. Người phụ nữ cô đơn trong chị kêu gào. Chị cần lắm một hạnh phúc, nhỏ bé thôi, đó là có một người trò chuyện khi đêm đến trời, những ngày mưa gió, sưởi ấm những đêm đông giá lạnh. Bản năng, sự khao khát làm mẹ của một người phụ nữ đã giúp chị quyết tâm xin một đứa con để bế bồng, an ủi, yêu thương. Nỗi khát khao chính đáng ấy đã vượt qua những điều tiếng của cái làng quê nghèo và phong kiến - một cháu gái xinh xắn đáng yêu đã ra đời.

 

Hơn bốn mươi tuổi mới được làm mẹ. Hạnh phúc đấy, nhưng cũng là khó khăn lớn đối với chị. Từ khi có con, cuộc sống của chị như bước sang một trang khác. Vất vả, khó khăn, túng thiếu... đều tăng lên đôi ba lần, thậm chí nhiều lần. Cảnh một mẹ một con biết bao vất vả. Chị phải tự xoay xở mọi việc. Chị em dâu cũng chỉ đến giúp chị được dăm bữa, nửa tháng khi chị mới sinh. Lớn tuổi mới có con lần đầu lại khó khăn về kinh tế, ăn uống tiết kiệm nên chị không đủ sữa cho con. Đêm đêm, cháu bé khát sữa, khóc đòi sữa đến lạc cả giọng, chị chỉ biết lặng lẽ khóc một mình, lời ru không tròn tiếng. Những đêm mưa nhà giột, chị phải thức cả đêm, tìm xó nhà không bị giột nước ôm cho con ngủ...

 

Mặc khó khăn vất vả, niềm vui trong chị nhân lên gấp bội. Ngôi nhà nhỏ trở nên ấm cũng hơn bởi tiếng trẻ khóc, cười và những tiếng ru ầu ơi. Ngắm nhìn khuôn mặt bầu bầu, xinh xắn hồng hào của con, lòng chị trở nên nhẹ nhõm. Nhìn những chiếc tã trắng, những bộ quần áo sơ sinh nhỏ xíu, xinh xắn phơi trên dây, chị mới thấy đây mới thực sự là một mái nhà. Tình mẫu tử đã khiến chị trẻ lại đến 3,4 tuổi, những nét khắc khổ trên khuôn mặt rám nắng của chị hình như mờ đi. Nhiều người ái ngại cho cảnh ngộ của chị, còn chị thì lại rất lạc quan. Chị nói: “Có con bé tôi mới thực sự thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tôi biết việc mình đã làm và làm để làm gì. Trước đây,tôi không biết mình sống cho ai, để làm gì. Giờ đây, tôi không còn cảm thấy cô đơn, trống trải trong căn nhà này nữa. Đi làm về, chỉ cần nhìn thấy cháu là bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tan biến hết”.

 

Với tình thương của một người mẹ, chị luôn cố gắng để con không phải chịu thiệt thòi so với các bạn. Chị làm việc gấp ba bốn lần sức lực của mình, chỉ mong kiếm được chút tiền tiết kiệm cho con phòng lúc tuổi cao không làm việc được nữa. Cháu bé không được phân thêm ruộng, hai mẹ con chị chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Thiếu thốn, chị phải nhận cấy khoán thêm 4 sào ruộng và tranh thủ đi cấy đặt, gặt đặt khi mùa đến. Chị không nề hà việc gì, miễn là có thêm thu nhập. Đã có thời gian chị đành lòng nhờ cậy người anh trai trông nom giúp cháu bé để vào Nam làm nghề giúp việc.

 

Mặc dù cái nghề đó cũng giúp chị kiếm được chút ít tiền, nhưng nỗi nhớ con giày vò đã kéo chị về với con. Chị không thể chịu đựng được cái ý nghĩa khát tình cảm người mẹ, quấy khóc của con. Chị chấp nhận cuộc sống khó khăn để được mẹ con quấn quýt bên nhau. Tuỏi cao, sức yếu, không làm được những việc nặng, chị hàng thủ công về đan vào những ngày ba tháng tám không có việc đồng áng. 10 ngàn đồng/ngày miệt mài từ sáng sớm đến khuya đan hàng thủ công cũng là đáng quý lắm rồi. Khu vườn nhỏ trước nhà được chị ngăn ra trồng rau, nuôi gà và trồng hoè. Rau để ăn, hoè đểbán, còn trứng để bồi dưỡng cho cháu bé. Cuộc sống của hai mẹ con chị trong căn nhà nhỏ thật bình thản, ấm áp.

 

Tình yêu con đã giúp chị vượt qua cả những phút khó khăn nhất của cuộc đời người phụ nữ. Đó là giây phút điền hai từ “không có” vào dòng khai “họ và tên cha” trên bản giấy khai sinh của con; là lúc con khóc và bắt đền vì bị bạn đánh, không chơi với vì không có cha; là lúc vô tình nghe thấy hàng xóm nói câu “con đó không có cha”... Và đọng lại niềm hạnh phúc - hạnh phúc của người mẹ!

 

Bây giờ chị đã bước sang tuổi 50, mái tóc đã có nhiều sợi bạc, thân hình còm cõi, khuôn mặt sạm nắng tràn đầy hạnh phúc. Căn nhà nhỏ đã được anh em trong gia đình góp tiền, công sức sửa sang lại thành một ngôi nhà ngói nhỏ, chắc chắn, ấm cúng. Hai mẹ con không còn lo những ngày mưa gió, bão bùng. Cháu Nhung năm tới sẽ bước vào lớp 1. Chị cười trong hạnh phúc: “Cháu đã biết thương mẹ nên rất chịu khó nghe lời, không đòi hỏi theo bạn bè bắt mẹ mua quần áo đẹp, đồ chơi... Dù vất vả đến mấy tôi cũng sẽ lo cho cháu ăn học nên người để sau này cháu không phải khổ như tôi.”

 

Lời tâm sự mộc mạc ấy mà ẩn chứa bao điều, vừa như một lời tự than về thân phận của mình, vừa là một niềm tự hào thầm kín. Hi vọng rằng những điều mong mỏi của chị sẽ thành hiện thực để cuộc đời chị bớt phần đắng cay cơ cực, sẽ không còn phải “một mình”:

 

“Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe”

(Ca dao)

Sao Thuỵ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video