Nữ đại biểu Quốc hội – 60 năm một chặng đường phấn đấu

05/01/2006
60 năm (1946-2006) so với lịch sử trường tồn của dân tộc thật ngắn ngủi song 60 năm ấy đã đánh dấu mốc son chói ngời trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

60 năm qua càng thêm khẳng định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào,phụ nữ Việt Nam đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống Bà Trưng, Bà triệu, lập nên những kỳ tích góp phần cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Quốc hội, các bà, các chị luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của những phụ nữ ưu tú, đại biểu của nhân dân, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ: xây dựng Nhà nước Việt Nam XHCN “của dân, do dân, vì dân” vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Theo dòng thời gian.

 

60 năm qua, QH nước CHXHCN Việt Nam đã trải qua 11 nhiệm kỳ bầu cử, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 14/SL tổ chức Tổng tuyển cử bầu QH và ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc – ngày cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu ra QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, khẳng định thể chế dân chủ của một quốc gia độc lập “của dân, do dân, vì dân” đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong số 333 đại biểu của 71 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có 10 đại biểu nữ. Mặc dù chỉ chiếm3% trong tổng số đại biểu QH, nhưng các bà, các chị đều là những đại biểu ưu tú, là những người lãnh đạo chủ chốt của các địa phương ở các vùng miền trong cả nước. Tiêu biểu là các bà:Lê Thị Xuyến, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Uỷ viên Thường vụ QH; Nguyễn Thị Thập, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ QH; Nguyễn Thị Thục Viên, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Bùi Thị Diệm (tức Lê Phương), nguyên TUV, Uỷ viên UBHC tỉnh Hải Dương; Trương Thị Mỹ, nguyên Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Đông…

 

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (1946-1960) - nhiệm kỳ dài nhất và gian nan nhất, trong điều kiện “thù trong giặc ngoài”, các bà Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Thục Viên đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của QH. Thời kỳ này nhiều Bộ luật lớn đã được QH thông qua như: Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (năm 1946), Dự án Luật Lao động đầu tiên (tháng 11/1946), Luật Cải cách ruộng đất (tháng 12/1953), Luật Công đoàn, Hôn nhân gia đình và nhiều văn bản pháp luật khác…Trên cương vị của mình, bà Nguyễn Thị Thục Viên còn tham gia các phái đoàn thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước: Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu. Sau kháng chiến chống Pháp, để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, theo đề nghị của Uỷ ban TVQH, Ban nghiên cứu và sửa đổi Hiến pháp đã được bầu gồm 29 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, trong đó có 2 nữ đại biểu QH là Nguyễn Thị Thập và Trương Thị Mỹ đã đóng góp tiếng nói của nữ giới vào việc sửa đổi Hiến pháp và xây dựng một số văn bản pháp luật trong nhiệm kỳ.

 

Sau nhiệm kỳ đầu hoạt động liên tục 15 năm, ngày 8/5/1960, cử tri miền Bắc đã bầu cử đại biểu QH khoá II. Đã có 362 đại biểu trúng cử, trong đó có 49 đại biểu nữ, chiếm 13,5%. Tại nhiệm kỳ này , bà Nguyễn Thị Thập được bầu là Uỷ viên Uỷ ban TVQH và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng được bầu là Uỷ viên dự khuyết của Uỷ ban TVQH đồng thời là Uỷ viên Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách. Một số nữ đại biểu QH được bầu là Uỷ viên các Uỷ ban của QH như: Uỷ ban Dự án pháp luật của Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Thống nhất…

 

Trải qua các nhiệm kỳ QH, nhiều cán bộ nữ được bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và đảm trách các chức vụ quan trọng hơn. Tại cuộc bầu cử QH khoá III, ngày 26/4/1964 đã bầu 366 đại biểu, trong đó có 62 đại biểu nữ (chiếm 16,9%). Lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Thập - đại biểu QH được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban TVQH. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng được bầu là Uỷ viên chính thức của Uỷ ban Thường vụ QH. Ngày càng nhiều đại biểu nữ trở thành Uỷ viên của các Uỷ ban của QH như các Uỷ ban Dự án Pháp luật (3 nữ trong số 14 uỷ viên), Kế hoạch Ngân sách, Dân tộc, Thống nhất, Văn hoá xã hội…Là người giữ các chức vụ quan trọng: Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam 30 năm (1950-1980), đại biểu QH từ khoá I-khoá VI, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UB T.W MTTQ Việt Nam từ năm 1955-1980, bà Nguyễn Thị Thập đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đầu tiên bổ sung vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

 

Cũng tại QH khoá III (1964-1971), ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam tổ chức họp trên cơ sở hợp nhất các đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam cùng các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam. Đại hội đã bầu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam và hai nữ chính trị gia: Bà Nguyễn Thị Bình và bà Bùi Thị Mè đã được cử vào Chính phủ lâm thời. Bà Nguyễn Thị Bình giữ chức Bộ trưởng ngoại giao và bà Bùi Thị Mè giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, Xã hội và Thương binh. Nhiệm kỳ này và những năm đầu của thập kỷ 70, với tài ngoại giao tài tình, bà Nguyễn Thị Bình đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc và đàm phán ngoại giao, đặc biệt là cuộc đàm phán lịch sử tại Hội nghị Pari, góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Tại cuộc bầu cử QH khoá IV (1971-1975) diễn ra ngày 11/4/1971, số đại biểu nữ tăng cao, chiếm 29,8% với 125 đại biểu .Bà Nguyễn Thị Thập tiếp tục được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban TVQH, bà Lê Thị Xuyến được bầu là Uỷ viên chính thức và bà Nguyễn Thị Minh Nhã là Uỷ viên dự khuyết của Uỷ ban TVQH. Trong nhiệm kỳ này và trong số các gương mặt nữ đại biểu QH tiêu biểu chúng ta không thể không nhắc tới nữ tướng tài ba – Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định. Là đại biểu QH từ khoá VI đến khoá VIII, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987-1992, bà đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với công lao đóng góp và tấm gương mẫu mực của mình, bà được Đảng, Nhà nước, nhiều nguyên thủ quốc gia trao tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

 

QH khoá V (1975-1976), số đại biểu nữ chiếm cao nhất, tới 32,3%. Bà Nguyễn Thị Thập lại tiếp tục được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban TVQH, bà Lê Thị Xuyến được bầu là Uỷ viên Uỷ ban TVQH, bà Nguyễn Thị Lựu là Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất của QH và Luật sư Bùi Thị Cẩm là Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại của QH.

 

QH khoá VI (1976-1981), số đại biểu nữ vẫn tiếp tục tăng, chiếm 26,8% với 128 đại biểu. Tại khoá QH này, cácđại biểu nữ đã tích cực đóng góp vào quá trình chuẩn bị hiệp thương, hiệp thương và Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

 

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, những nữ đại biểu QH tiếp tục viết tiếp truyền thống vẻ vang, đóng góp trí tuệ, bầu nhiệt huyết, tham gia quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề trọng đại của đất nước. Chất lượng các nữ đại biểu QH ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ đại biểu QH nữ có trình độ đại học, trên đại học ngày càng tăng. Kỹ năng lập pháp, kỹ năng giám sát, tiếp xúc cử tri được nâng cao. Nhiều chị là lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của QH, là đại biểu QH chuyên trách. Nhiều đại biểu QH là chính trị gia, các nhà khoa học, những người giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước, những nhà quản lý, những doanh nhân giỏi, những người tiêu biểu ở các ngành, các giới, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với sứ mệnh và trọng trách cử tri giao phó, những nữ đại biểu QH đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH, công cuộc đổi mới của đất nước, của QH.

 

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, chúng ta có thể tự hào với sự trưởng thành của các đại biểu QH nữ. 60 năm, 11 khoá QH, đã có 1.038 lượt đại biểu QH nữ được bầu, chiếm 21,14% tổng số đại biểu QH. Nếu khoá I, số đại biểu QH nữ chỉ chiếm 3% thì đến khoá XI là 27,3%, đưa Việt Nam đứng ở vị trí thứ nhất khu vực châu Á về số lượng các đại biểu QH nữ và là một trong 16 quốc gia có nữ làm Phó Chủ tịch nước trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới. Đạt được kết quả đó là do Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên (1946) đã ghi rõ nam nữ bình quyền, đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng được ban hành nhằm giải phóng phụ nữ và tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển: Chỉ thị 44/CT-T.W Hội LHPN Việt Nam ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư T.W; Nghị quyết 04/NQ-T.W của Bộ Chính trị về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị 37/CT-T.W ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư T.W về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”, Nghị quyết ĐH IX của Đảng…Nội dung các văn kiện đều nhất quán quan điểm: Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành…Một điều đáng mừng nữa là cuối năm 2003, Hội LHPN Việt Nam đã trình và được QH cho phép xây dựng Luật Bình đẳng giới, trong dự thảo có nêu chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức các cấp.

 

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản song không phải các nữ đại biểu QH không nhìn rõ những khó khăn, thách thức. So với đại biểu QH là nam giới, kỹ năng của nhiều đại biểu QH nữ còn hạn chế, mặt khác họ vẫn còn gánh nặng trên vai thiên chức làm người mẹ, người vợ trong gia đình và một điều quan trọng nữa như bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Uỷ viên T.W Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH đã nhận định tại Hội thảo Vai trò của nữ đại biểu QH trong thời kỳ đổi mới tổ chức đầu tháng 12 vừa qua: “Bước vào thế kỷ mới, nhân loại đang và sẽ phải đối đầu với với hàng loạt những thách thức mới: Theo dự báo của các nhà khoa học thì đến năm 2010, dân số thế giới sẽ gần 10 tỷ, năm 2040 sẽ là 13,4 tỷ, một viễn cảnh mà cả thế giới quan tâm. Do vậy, tăng cường vai trò của nữ đại biểu QH trong thời kỳ mới là xu thế phát triển tất yếu khách quan nhằm phát huy nội lực, tiềm năng, sáng tạo và tận tuỵ trong công việc, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của đại biểu nữ nhằm đáp ứng mọi yêu cầu đạt ra trong công cuộc CNH-HĐH đất nước.”

 

Vượt lên khó khăn thách thức, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, chắc chắn các nữ đại biểu QH sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: Các đại biểu QH nữ hãy làm tròn trách nhiệm của mình để giúp QH làm tròn trách nhiệm là cơ quan đại diện cao nhất của cử tri cả nước” .

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video