Nữ chủ tịch HTX chỉ có 10%

20/04/2017
Khảo sát về vấn đề giới trong các Hợp tác xã ở khu vực châu Á - Thái Bình dương được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng HTX trong khu vực này đều có đặc điểm chung là vị trí lãnh đạo của nữ giới chiếm tỷ rất nhỏ và chịu nhiều rào cản, gánh nặng hơn nam giới.

Sáng 19/4, tiếp tục phiên thảo luận về “HTX tiếp cận đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế xanh, chăm sóc người già và đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và thanh niên” trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Nandini Azad, Liên đoàn HTX quốc gia Ấn độ, công bố nghiên cứu về vấn đề giới trong các HTX ở khu vực châu Á - Thái Bình dương với 26 quốc gia năm 2016. Trong đó tập trung ở các lĩnh vực như nông nghiệp, tiêu dùng, tín dụng và tiết kiệm, khu vực phi chính thức...

Tiến sĩ Nandini Azad cho biết đặc điểm chung của các HTX trong khu vực, “đa số thành viên nữ có độ tuổi trên 45”. Đặc biệt, sự tham gia của giới trong các cấp điều hành thấy rõ sự chênh lệch. Mặc dù số người điều hành là nữ tăng từ 2,4% năm 2005 lên 32% vào năm 2016; nhưng con số này lại quá thấp so với số người điều hành là nam, chiếm 68%.

Đặc biệt, ở vị trí lãnh đạo cấp cao thì tỷ lệ nữ càng thấp, cụ thể nữ chủ tịch HTX chỉ chiếm 10%; phó chủ tịch có 18%; đại diện ban lãnh đạo HTX thì nữ chiếm 23%. Những con số này vẫn quá thấp. Đồng thời, “việc thiếu đại diện của phụ nữ ở cấp cao trong HTX được cho là tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, định kiến với phụ nữ hoặc thiếu sự giáo dục, định hướng kỹ năng đã cản trở sự tiếp cận của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cấp cao trong HTX”, Tiến sĩ Nandini Azad nói.

Riêng với Việt Nam ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tổng lao động trong cả nước tăng nhưng lao động khu vực nông nghiệp giảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng lao động trẻ từ 18 -35 tuổi, lao động quá tuổi phải trở về khu vực nông thôn, khiến cho lực lượng lao động nông thôn phần đông là người già, phụ nữ cao tuổi - thuộc nhóm yếu thế. Chính vì vậy, ông Hiếu đề xuất HTX cần tăng tính liên kết giữa các hộ dân, giữa những cá thể đơn lẻ với các lĩnh vực sản xuất phù hợp với nhóm yếu thế của khu vực nông thôn để cùng nhau phát triển.

Để nâng cao vai trò và khả năng tiếp cận vị trí cao trong HTX của phụ nữ, Tiến sĩ Nandini Azad cho rằng cần có cơ chế để tất cả các HTX tăng cường sự tham gia của phụ nữ tại các cấp tổ chức cao hơn, như đặt chỉ tiêu, bổ nhiệm phụ nữ vào ban lãnh đạo, các ủy ban của HTX; đồng thời tăng sự tham gia của phụ nữ vào bộ máy ra quyết định, và đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ....

PVH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video