Nụ cười của những phụ nữ bất hạnh khi nhận được quyết định trao nhà.

19/08/2008
Một xóm nhỏ được hình thành với 126 căn nhà liền kề vừa được xây tại phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nơi đó, trong mỗi căn nhà không thấy bóng dáng đàn ông mà chỉ có những phụ nữ nghèo, bất hạnh đơn thân nuôi con.

Sau bao năm không nhà cửa và nay đây mai đó, họ đã tìm được một bến đỗ trong những căn nhà mà cả đời cũng không dám mơ...

Phận bạc!

Sáng 30.7! Một buổi sáng quan trọng không thể quên trong cuộc đời của những người phụ nữ nghèo. 87 gia đình đã được dọn vào nhà mới. Những người phụ nữ bất hạnh ấy đã bật khóc khi nhận được giấy quyết định của TP bố trí nhà liền kề. Họ khóc vì hạnh phúc từ món quà chắt chiu nghĩa tình mà Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (HBTPN&TENBH), lãnh đạo TP cùng với tấm lòng vàng của các nhà tài trợ mà bấy lâu nay họ có mơ cũng không dám... mơ đến.

Chị Chu Thị Tuất (sinh năm 1982) ôm khư khư tờ quyết định vào người và không một chút giấu giếm, chị khóc rưng rức như đứa trẻ. Thấy mẹ khóc, cô con gái đầu mới 6 tuổi mở to mắt và vội ôm lấy mẹ hỏi: "Sao mẹ khóc vậy?", người phụ nữ quanh năm suốt tháng ở nhà thuê, tần tảo với việc lượm ve chai, buôn đồ phế liệu, quệt vội giọt nước mắt, nói: "Tại mẹ vui quá con à! Từ đây, mình có nhà rồi, không phải ở thuê nữa!".

Sinh ra trong gia đình theo nghề "xướng ca" ở Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (45 tuổi) nay đây mai đó với những đồng tiền lẻ nhàu nát của khách. Cuối chặng hành trình gian khó, bố chị chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân. Đất khách, quê người, nỗi khốn khó càng lúc càng tăng gấp bội. Những thiết bị hiện đại đang dần thay thế cho những buổi biểu diễn ca nhạc đơn sơ, "cây nhà lá vườn".

Đây cũng là lúc gánh hát "chết" dần vì mất đất sống. Cuộc sống của gia đình chị cũng lao dốc không phanh. Lấy chồng trong cùng gánh hát, được một đứa con thì chị và chồng chia tay. Vật lộn mưu sinh trong khổ cực rồi chị cũng có người đàn ông khác yêu thương. Thành vợ chồng chẳng được bao lâu, khi chị đang có thai tháng thứ ba thì người đàn ông này cũng ngã bệnh ra đi vĩnh viễn. Bỏ gánh hát, chị lấy nghề bán rau ở chợ để kiếm sống qua ngày.

Gia cảnh chị Lê Thị Thương (56 tuổi) cũng thê lương không kém. Bản thân chị là người tật nguyền nhưng phải may thuê để nuôi 3 miệng ăn. Trong căn phòng trọ tồi tàn của chị trước đây, còn có người em gái Lê Thị Hết bị liệt người, lê lết trên sàn nhà suốt đời. Nghĩ đến cảnh già tật nguyền hiu quạnh không người thân thích, chị Thương đã liều "xin" đứa con để nuôi, nay cháu đã 10 tuổi.

Chị cho biết: "Bữa no, bữa đói, thậm chí là "đứt bữa" đối với gia đình tôi là chuyện thường tình. Ăn còn chưa đủ lại mất thêm khoản tiền thuê nhà gần 200.000 đồng/tháng, nhiều lúc chỉ biết nuốt nước mắt vào trong". Chị cho biết thêm: Nhiều phụ nữ khác ở xung quanh đây cũng vậy, có nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn phải chịu cảnh ở thuê, làm mướn.

Mái ấm mới

Mân mê chiếc chìa khoá trên tay, bà Nguyễn Thị Sen (tạm trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) nghẹn ngào tâm sự: "Kể từ hôm hay tin mình có tên trong danh sách trao nhà liền kề, tui không sao ngủ được. Tui mừng quá! Cả đời chắt chiu, dành dụm mãi vẫn không xây nổi căn nhà cho mình, phải ăn nhờ, ở đậu. Giờ đây TP bố trí cho mấy mẹ con tui được ở trong căn hộ nhà liền kề, tui không biết phải nói như thế nào để thể hiện lòng biết ơn...".

Ai nghe được chuyện của người phụ nữ trên 50 tuổi này mới thấu hiểu được nỗi vui sướng của bà khi được nhận nhà. Là thanh niên xung phong nghỉ mất sức từ năm 1980, bà Sen trở về cuộc sống thường nhật rồi lập gia đình vào năm 1983. Ơ chung với gia đình chồng một thời gian trong căn nhà quá chật chội, năm 1990, vợ chồng bà cùng 2 cô con gái dắt díu ra ngoài thuê nhà để ở.

Với đồng lương công nhân của chồng cùng với việc làm không ổn định của bà, cuộc sống của họ vô cùng chật vật. Bà Sen làm đủ nghề từ bán rau sống, bán kem, đổ nước...Năm 2000, vì lao tâm, lao lực, chồng bà qua đời. 2 cô con gái đã lập gia đình, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, cũng về ở chung với bà trong căn nhà thuê với giá 400.000 đồng/tháng.

Cảm thông hoàn cảnh của bà, UBND phường Tam Thuận, Hội LHPN phường đã giới thiệu, tham mưu với HBTPN&TENBH TP về trường hợp của mẹ con bà. Với bà Sen, ngôi nhà rộng gần 70m2 gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, sân phơi, bếp, nhà vệ sinh khép kín là điều quá sức tưởng tượng, chỉ có ở trong mơ.

Cùng chung tâm trạng ấy, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - đại diện cho các hộ phụ nữ lên phát biểu tại lễ trao nhà - đã xúc động, nói không nên lời. Tâm sự với riêng tôi, chị thổ lộ: "Tôi đã từng mơ ước, giá chỉ cần có một cái chòi nhỏ để ba mẹ con được sống một cuộc sống độc lập là đã phước lắm rồi. Cứ nghĩ đó chỉ là ước mơ thôi, nào ngờ giờ đã thành hiện thực!".

Không riêng gì bà Sen, chị Tuất, tất cả các hộ gia đình còn lại đều có chung một tâm trạng hạnh phúc như thế. Họ í ới gọi nhau sang xem nhà, khoe quà rồi cùng cười vui vì phấn khởi, hạnh phúc.

Chút tình gửi người bất hạnh

Trong niềm hân hoan bàn giao nhà cho 87 phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con, bà Nguyễn Thị Vân Lan-Chủ tịch HBTPNVTENBH TP.ĐN - mắt đỏ hoe vì xúc động: "Có đi khảo sát thực tế, chúng tôi mới thấy hết những nỗi khổ mà hàng ngày các chị ấy phải chịu đựng. Có căn nhà, các chị thuê chỉ có 4-6m2 vừa đủ 1 cái giường. Có người chỉ đủ tiền thuê một căn gác nhỏ che dưới mái hiên hoặc chân cầu thang nhưng mỗi tháng phải chi trả từ 300.000-400.000 đồng.

Trong khi đó hầu hết các chị đều đơn thân nuôi con một mình, không có việc làm ổn định. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, các đồng chí lãnh đạo TP đã quyết định xây nhà liền kề mời các chị vào ở. Mỗi tháng TP chỉ thu tiền duy tu, bảo dưỡng khoảng 100.000 đồng. Riêng đối với hộ diện chính sách, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam... chỉ đóng 50.000 đồng/tháng.

Có thể nói, đây là công trình mang nhiều ý nghĩa về mặt tình cảm, xã hội và nhân văn, thể hiện tính nhân đạo sâu sắc nhằm giúp đỡ cho các phụ nữ đơn thân nuôi con một mình có được nơi ở ổn định, không phải rày đây mai đó. Cũng theo lời bà Vân Lan, trong tháng 8 này, 39 căn nhà liền kề còn lại sẽ được gấp rút hoàn thành và bàn giao cho các phụ nữ khác.

Đối tượng được nhận nhà gồm có các tiêu chuẩn: Phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, đang ở nhà thuê, có hộ khẩu Đà Nẵng, thuộc diện hộ nghèo... Bà Lan cho biết thêm, để đảm bảo việc giao nhà đúng đối tượng thì quy trình xét chọn diễn ra rất nghiêm ngặt. Các chủ tịch UBND phường là người sát dân nhất đứng ra chọn lựa. Tiếp đó các quận có trách nhiệm thẩm tra và cuối cùng, HBTPN&TENBH TP sẽ phúc tra để đưa ra danh sách chính thức.

Ngoài ra, người thuê nhà phải làm cam kết không chuyển nhượng, cầm cố, mua bán và cho người vào đăng ký hộ khẩu tại nhà. Mỗi căn nhà được xây dựng với kinh phí 45 triệu đồng. Tuy nhiên qua thực tế, có nhiều trường hợp phụ nữ không hoàn toàn đáp ứng đúng 3 tiêu chí vừa nêu nhưng hoàn cảnh rõ ràng là rất khó khăn cũng được xét chọn. "Mục đích là làm cho những phụ nữ đơn thân, bất hạnh cảm nhận được sự ấm cúng của tình người trong cộng đồng!" - bà Lan cho biết thêm.

Rời khỏi những ngôi nhà liền kề, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh khi buổi lễ bàn giao nhà vừa kết thúc, tất cả các chị nhanh chóng toả về phía các dãy nhà, gương mặt ai nấy đều lộ vẻ hân hoan, vui mừng khôn xiết. Tôi biết, dù đã trút được một gánh nặng lo toan về nơi ăn, chốn ở nhưng trước mắt họ vẫn còn vạn vạn điều khó khăn nữa phải lo toan...

Theo Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video