Nữ “Kỹ sư” với bếp lò không khói

01/10/2013
Cách đây 6 năm, bà Nguyễn Thị Thạn, hội viên phụ nữ ấp Tân Hoá, xã Hoà Thành, TP Cà Mau đã mày mò chế tạo thành công bếp lò không khói phục vụ cho hàng trăm bà nội trợ trong và ngoài tỉnh sử dụng.

Bà Thạn chia sẻ, để chế tạo thành công sản phẩm bếp lò không khói phải trải qua nhiều công đoạn, từ bẻ sắt, trộn xi-măng, ngào đá, bắc vỉ sắt, tạo hình và làm nhẵn bề mặt bếp bằng gạch men.

Cái khó nhất trong quy trình làm bếp lò không khói chính là lò phải thông khói, từng bộ phận cấu tạo của bếp đòi hỏi độ chính xác cao. Bí quyết để lửa cháy đều, không bị hút giật, trả khói lại… nằm ở cấu tạo của bộ phận cửa lò, các khe dẫn khói ra ngoài và ống dẫn khói.

Đa số người dân ở nông thôn hiện nay vẫn còn sử dụng các loại bếp truyền thống để đun nấu, nhưng nhược điểm lớn nhất là khói thải ra khá nhiều trong khi đun nấu do đốt cháy không hết nhiên liệu. Khói không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ các bà nội trợ.

Đó là một nguồn ô nhiễm nguy hiểm. Ngược lại, bếp lò của bà Thạn khi đun nấu không gây khói trong bếp, do miệng bếp có độ lớn cân đối với cấu tạo của bếp, ống khói theo sự đối lưu không khí.

Kích cỡ chiếc bếp của bà Thạn khoảng 0,8-1,2 m, giá mỗi bếp từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng, tuỳ vào nhu cầu sử dụng của từng gia đình mà bếp có một, hai hoặc ba lò nấu.

Do được nghiên cứu kỹ nên soong, chảo đặt lên là vừa kín miệng bếp, khói không thoát ra ngoài. Không khí đi vào các lò đốt, sau đó được dẫn qua lò rồi thoát ra ngoài qua ống khói, đặt ở bên ngoài nhà bếp. Khi đun nấu, bếp lò này còn tiết kiệm được nhiên liệu tối đa so với bếp truyền thống.

Sử dụng bếp của bà Thạn, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm và bà Lê Thị Phụng, ấp Tân Hoá, xã HoàThành, TP Cà Mau, đều nhận định: Lúc trước nấu bằng cà ràng (bếp lò có 3 ông táo) khói bụi nhiều. Từ khi sử dụng bếp lò của bà Thạn thì nhà bếp sạch sẽ, không có khói bụi. Đặc biệt là lò rất nóng, tiết kiệm tối đa nhiên liệu.

Làm thành phẩm hơn 500 bếp lò không khói với nhiều hình dáng bắt mắt, cầu kỳ, đem lại nhiều tiện ích cho các bà nội trợ, nhưng ít ai biết rằng toàn bộ hành trang đồ nghề của người “kỹ sư” không bằng cấp Nguyễn Thị Thạn là những vật phế thải. Đo đạc bếp thì dùng que củi, tạo hình bếp bằng miếng mốp vụn, làm miệng bếp thì dùng cái xô bể, làm ống khói thì dùng cây chuối.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thể, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Thành, TP Cà Mau, nhận định: Mô hình làm bếp lò không khói của bà Thạn góp phần tích cực vào phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của phụ nữ địa phương. Ban Chấp hành Hội LHPN xã báo cáo thành tích của bà Thạn về Trung ương Hội.

Niềm vui lớn nhất của người phụ nữ cần cù, chịu khó Nguyễn Thị Thạn không chỉ là kinh tế gia đình có của ăn của để, con cái có việc làm ổn định, những tấm giấy khen của các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam trao tặng, mà đó chính là những sản phẩm bếp lò vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ và “giữ lửa” gia đình cho phụ nữ Việt Nam.
Theo báo Cà Mau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video