Nữ thẩm phán được Bác Hồ dìu dắt, kết nạp vào Đảng

06/03/2018
Nữ Thẩm phán 16 năm làm Chánh án TAND tỉnh Cao Bằng Nông Thị Trưng là người người chiến sĩ cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt và giới thiệu, kết nạp vào Đảng.

“Những ngày tháng sống gần Bác”

Cô Nông Thị Bày sinh ra và lớn lên ở bản Nà Giáo, cách Pác Bó không xa. Được giác ngộ sớm, cô bí mật tham gia hoạt động cách mạng rất tích cực. Như đóa hoa ban mơn mởn, xinh đẹp, hát sli hay như con chim hót, mới 15-16 tuổi, nhiều chàng trai con nhà khá giả, kỳ hào trong tổng muốn cưới cô làm vợ, nhưng cô vẫn không ưng. Cuối cùng một người đồng chí mồ côi cha mẹ đã khiến cô xiêu lòng… Tháng 12-1939, khi vừa tròn 20 tuổi, lễ cưới của cô với người yêu, người đồng chí Hoàng Hồng Tiến, được tổ chức, vượt qua mọi lời dèm pha. Nhưng quãng thời gian hạnh phúc không được dài, 6 tháng sau, chồng cô bị thực dân Pháp bắt và đày đi nhà tù Sơn La, vì anh là đảng viên từ năm 1937.

Tiếp tục hoạt động, cuối cùng chính cô Bày cũng bị bắt. May mắn trốn thoát, các đồng chí đưa cô lánh sang Trung Quốc một thời gian.

Ít lâu sau, 2 đồng chí Vũ Anh và Lê Quảng Ba đưa cô trở về Pác Bó, gặp ông Ké. Trong hồi ký “Những ngày tháng sống gần Bác” của Nhà xuất bản Dân tộc Việt Bắc và “Một lòng theo Bác” của Nhà xuất bản Văn học cùng ấn hành năm 1966, bà Nông Thị Trưng kể lại nhiều kỷ niệm với Bác Hồ.

Sau những lời thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, Bác nói: Cháu đừng lo nghĩ, buồn rầu nhiều quá về đau thương của gia đình, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác… Cháu sẽ ra ở với nhà anh Sù (Dương Đại Lâm). Ngày nào cháu cũng phải vào đây gặp chú một giờ để học tập… Từ nay, chú đặt tên cho cháu là Trưng. Nếu có ai hỏi thì cháu bảo “Cháu là cháu của chú Thu”. (Khi đó, bí danh của Bác Hồ là Thu Sơn)… Bà Trưng nhớ lại, “tạm biệt Bác ra về, trong lòng tự nhiên thấy khác thường, như nảy nở nhiều điều mới lạ”.

Hàng ngày cùng với một vài đồng chí khác, cô Nông Thị Trưng được Bác Hồ trực tiếp dạy bảo về cách viết, cách đọc rồi các kiến thức chính trị, xã hội đơn giản, dễ hiểu.

Mỗi khi dịch xong một tài liệu hoặc viết xong một bài báo, Bác thường đưa cho cô xem và hỏi đọc có hiểu không? Câu nào, chữ nào không hiểu? Chữa xong, Bác đưa lại và hỏi: “Chú chữa như vậy, cháu đọc đã hiểu chưa?”, nếu chưa hiểu thì Bác chữa lại cho cô thật hiểu mới thôi.

“Từ lúc gặp chú Thu, tôi lại cảm thấy như hươu non lạc rừng gặp mẹ, cá lạc xa lại về vực cũ. Chú Thu đã trút giúp tôi hết gánh buồn phiền…”.

Bà Trưng kể lại: “Chú Thu đã giáo dục cho tôi đạo đức và tình cảm của người cộng sản. Thỉnh thoảng chú lại hỏi tôi: “Cháu có khỏe không? Cháu thích ăn gì?”. Có lần tôi thật thà: “Cháu thèm ăn xôi lắm”. Thế là chú Thu bảo đồng chí Lộc đi lấy gạo nếp nấu cho tôi ăn. Tết năm ấy, lần đầu tiên xa gia đình, trong cảnh nhà tan nát, tôi muốn về thăm mẹ, thăm em và bản làng nhưng chú Thu không cho về. Chú khuyên: “Bọn mật thám thường giăng lưới bắt cán bộ cách mạng vào dịp này, vì người thân thích hay sum họp vào ngày Tết. Cháu về tức là đem thân vào miệng cọp”. Tôi tủi cực quá, nước mắt cứ tràn ra. Chú Thu cũng ngậm ngùi nhưng đành dỗ dành mãi tôi như mẹ dỗ dành con nhỏ. Chú lấy cho tôi chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và chiếc còng gà luộc. Chú bảo: “Quà Tết của chú đấy, cháu lau nước mắt rồi ăn còng gà. Ở gia đình cách mạng rồi cháu cũng vui như nhà mà thôi”

Kết nạp Đảng trong ngườm đá

Ngày  6/12/1941, cô được kết nạp vào Đảng, người giới thiệu chính là Bác Hồ và đồng chí Lê Quảng Ba.

Trưa hôm đó, anh Trịnh Đông Hải đưa cô đến ngườm Vải. Ngườm là một vách đá nhỏ ra như mái nhà. “Chú Thu, anh Lê, anh Văn Trình đã đợi sẵn, dành hai tảng đá nhẵn cho tôi và anh Hải. Trước ngườm, dây rừng, cành lá buông xuống thành một chiếc mành mành thiên nhiên rất đẹp. Núi đá cao sừng sững bên kia, chú Thu đặt là núi Các Mác. Dưới chân núi có mạch nước trong vắt chảy ra thành dòng suối, chú Thu gọi là suối Lênin… Buổi lễ kết nạp Đảng bắt đầu. Không có cờ, ảnh trang hoàng trang trọng, nhưng qua phong thái của các đồng chí, trong khung cảnh thiên nhiên, tôi thấy một không khí trang nghiêm bao trùm. Đồng chí Trịnh Đông Hải tuyên bố lý do… Anh Lê nhìn tôi trìu mến, và với giọng nói ấm áp quen thuộc hàng ngày, anh nói: “Đồng chí Trưng trên thật là Nông Thị Bày, dân tộc Tày, thành phần bần nông, hai gia đình nội ngoại đều là gia đình cách mạng, chồng hoạt động cách mạng đã bị Pháp bắt, hiện giam tại nhà tù Sơn La”… Chú Thu cũng nhìn tôi, nói giọng tin cậy: “Qua một thời gian được rèn luyện thử thách, đồng chí Trưng tỏ ra có tinh thần kiên quyết cách mạng, xứng đáng được kết nạp vào Đảng”.

Hai chữ “đồng chí” và giọng nói của chú Thu đầy thân thiết. Nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Tôi thầm nguyện trong lòng “Cháu xin hứa không bao giờ để chú phiền lòng. Chừng nào suối Lênin cạn hết, núi Các Mác hóa biển, cháu cũng không phụ lòng tin yêu, công ơn giáo dục của Đảng và của Chú”… - Bà Trưng kể trong hồi ký.

 Món quà vô giá

Sau khi được kết nạp Đảng, cô được phân công công tác khác, chú Thu cũng đi công tác xa. Nào ngờ Chú bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam. Năm 1944, chú Thu trở về nước… Sung sướng biết nhường nào. Bà Trưng nhớ lại: “Chú đã chuẩn bị cho tôi món quà vô cùng quý giá. Đó là cuốn “Binh pháp Tôn Tử” do chú dịch, chú thích và đề thơ vào ngoài bìa:

“Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà”…

“Ngày 2/9/1945, nước nhà giành được độc lập, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Niềm vui vì cách mạng đã thành công, gia đình đoàn tụ đang chan chứa trong lòng, thì một niềm vui lớn hơn lại đến với chúng tôi. Chồng tôi đem về một bức ảnh Hồ Chủ tịch. Nhìn ảnh, tôi ngạc nhiên, sung sướng thốt lên: Trời ơi! Chú Thu đây này!... Tôi nghẹn ngào vui sướng vô cùng tận và cứ muốn dùng mãi mãi hai chữ chú Thu thân yêu ấy để gọi Bác Hồ” - Bà Trưng kể lại.

Theo hồi ký của bà Trưng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng chú Thu vẫn luôn luôn dõi theo từng bước tiến và thường viết thư và gửi quà cho cô cháu gái Nông Thị Trưng. Có thời kỳ, bà xin nghỉ công tác vì cuộc sống quá khó khăn, kinh tế eo hẹp, con cái ốm đau, chồng lại đi công tác luôn. Chồng bà - ông Hoàng Hồng Tiến khi đó làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Miền núi rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Một hôm, ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy gọi bà lên và nói: Tôi mời chị lên để truyền đạt lại lời Bác Hồ, tức chú Thu của chúng ta… Bác hỏi tôi: “Trưng hồi này nó làm gì?”. Tôi ngập ngừng, không dám trả lời. Bác gặng… tôi không dám giấu nữa… Nét mặt Bác tự nhiên đổi sắc, Bác rất buồn. Bác nghiêm khắc bảo: “Không thể thế được! Ngày còn bí mật, khó khăn mấy Trưng nó cũng làm được sao giờ nó lại bỏ về nhà”… Thế là bà Nông Thị Trưng như bừng tỉnh và hòa mình vào công tác.

Năm 1960, Bà Trưng là đại biểu của tỉnh Cao Bằng, bế theo cô con giá Hoàng Thị Kim Oanh mới 1 tuổi về Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Hai chú cháu gặp nhau với biết bao xúc động. Bác Hồ bế bé Oanh trên tay mãi không thôi…

Vì những tình cảm sâu nặng như vậy nên khi Bác Hồ tạ thế, bà Nông Thị Trưng là trường hợp hiếm hoi được túc trực bên linh cữu Bác hai lần. Bà muốn mặc quần áo đại tang nhưng sợ bị phê bình là “phong kiến” nên chỉ dám cuốn khăn trắng trên đầu. Túc trực bên linh cữu, bà vô cùng xúc động và thầm hứa: “Trưng sẽ phấn đấu trọn đời, xứng đáng là người cháu gái yêu quý của chú Thu năm xưa”…

Bà Nông Thị Trưng còn có chiếc dây chuyền nhỏ, có chân dung Bác Hồ do đồng chí Vũ Kỹ mang lên trao tận tay, trở thành một kỷ vật, kỷ niệm những năm tháng không thể nào quên đó.

16 năm làm Chánh án

 Ảnh minh họa

Chân dung nữ thẩm phán Nông Thị Trưng trong trang phục truyền thống 

Năm 1964, bà Nông Thị Trưng được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án tỉnh Cao Bằng và ở cương vị này cho đến khi về hưu, năm 1980. Bà là một trong ba nữ Chánh án hồi đó và một trong hai người giữ cương vị này lâu nhất. Ấn tượng mà Chánh án Nông Thị Trưng để lại trong lòng cán bộ, thẩm phán Cao Bằng là tấm gương về sự tận tụy với công việc, gần gũi, thân thiết với anh em. Ngay sau khi về nhận nhiệm vụ, chỉ trong mấy tháng, Chánh án Nông Thị Trưng đã chỉ đạo giải quyết hết hơn 100 vụ án đang tồn đọng. Vừa làm việc nghiêm túc, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, Chánh án Nông thị Trưng đã vững vàng dần và đưa đơn vị từ chỗ yếu kém lên những bước vững chắc. Mấy năm sau, Tòa án Cao Bằng đã được Tòa án tối cao và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc công nhận là một trong 5 đơn vị tiên tiến có thành tích xuất sắc, được tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen…

Ngày đó, cả cơ quan ở chung khu tập thể. Hết giờ làm, mỗi buổi rảnh rỗi, bà lại sang thăm các gia đình cán bộ, để trò chuyện, chia sẻ. Có thẩm phán làm việc rất tốt nhưng cứ băn khoăn chuyện mẹ già, bà quyết định cho chuyển về công tác gần nhà. Bà bảo: Nếu cán bộ không yên tâm thì sao công tác tốt được. Phải lo cho cán bộ ổn cả việc nhà thì họ mới làm tốt việc cơ quan.

Người ta còn nhớ có một vụ án rất phức tạp tại Bảo Lạc, một huyện xa xôi nhất của Cao Bằng, ai cũng ngại đi công tác ở đó vì đi Bảo Lạc xa hơn về Hà Nội, Chánh án  Nông Thị Trưng đã quyết định đi. Mượn xe commanca của Tỉnh ủy, bà cùng Hội đồng xét xử vào Tòa án huyện Bảo Lạc để xét xử lưu động. Phiên tòa đã diễn ra suôn sẻ và bản án thấu tình đạt lý được hoan nghênh nhiệt liệt.

Chị Hoàng Thị Kim Oanh, con gái của bà Nông Thị Trưng, nguyên Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ mẹ tôi làm Chánh án tỉnh mà vẫn đi dép lê. Nhà quá đơn sơ. Khi được phân mảnh đất, vay mượn để xây nhà nhiều năm sau mới trả hết nợ. Mãi đến khi bà sắp mất, năm 2001, tôi mới lắp được cho mẹ cái điện thoại bàn để trò chuyện với con cái”… Nói đến đây, nước mắt chị Oanh chảy chan hòa “Mẹ tôi chính là người động viên tôi vào ngành Tòa án vì bà ghét bất công, muốn bảo vệ lẽ công bằng”…

Cả nhà chỉ có mỗi cô con gái rượu theo nghề của mẹ, còn bốn anh em trai thì mỗi người một nghề khác nhau. Con gái chị sau khi có bằng Thạc sĩ Luật tại Pháp đã về công tác tại Tòa án nhân dân tối cao. Thế là nhà chị có ba thế hệ công tác trong ngành Tòa án.

“Mỗi khi nghĩ đến mẹ tôi, tôi muốn làm việc thật tốt, sống thật tốt để mẹ tôi hài lòng, như những ngày mẹ tôi còn sống”… chị Oanh nói với tôi như nói với chính mình.

Tạp chí Tòa án nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video