Phụ nữ Việt Nam với tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh

15/05/2016
Nói đến tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh, chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương, máu. Trong đó có biết bao chị em phụ nữ. Tên tuổi, chiến công của họ đi vào lịch sử, vào thi ca cách mạng và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định và trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập tuyến đường vận tải chiến lược để chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam và giúp nước bạn Lào, Campuchia. Tuyến vận tải đó sau này lấy tên là đường Hồ Chí Minh.Đây là con đường chiến lược đặc biệt nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, con đường mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đánh giá về đường Hồ Chí Minh, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Con đường Trường Sơn con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. ” (Dẫn theo Đặng Phong – 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008, tr.124, 125)

Từ năm 1959 đến năm 1975, trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, trong suốt 6000 ngày, Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất. Huy động các đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong việc tạo các nghiên cứu gây mưa, tạo bùn hòng cản trở tuyến vận tải này. Song mọi cố gắng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều không đạt được mục đích. Bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được ý chí sắt đá của những con người mang khát vọng thiêng liêng cao cả của một thời đại. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn hiên ngang vươn tới các chiến trường.

Các lực lượng công binh, thanh niên xong phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Theo Hồ Tân Đạt “50 năm huyền thoại đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (1959 – 2009)”,Hội LHTN Việt Nam ngày 17/4/2009)

Trong chiến công vĩ đại đó của tuyến đường, với truyền thống anh hùng của Bà Trưng, Bà Triệu phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng.

Để làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại mang tầm vóc lịch sử, cùng các chiến sĩ là nam giới, có hàng vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước đã tình nguyện trực tiếp góp công sức chiến đấu, lao động với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, đánh đổi cả sự hy sinh xương máu của mình. Họ là những Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, nhà văn, nhà báo, văn công và cả lái xe, công binh…là nữ.

Trong số họ nhiều tập thể, cá nhân đã làm nên những chiến công như huyền thoại, lịch sử dân tộc mãi mãi khắc ghi những hình ảnh:

"Mười cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc" thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh đang gấp rút san lấp hố bom để thông đường thì một tốp máy bay phản lực thả bom rơi đúng vào đội hình. 10 cô gái gái trẻ ấy đã hy sinh vào hồi 17h ngày 24/7/1968;Tiểu đội anh hùng"Mười hai cô gái Truông Bồn" thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ Anđã "quyết tử cho mạch máu Truông Bồn quyết thông"; Các nữ Thanh niên xung phong ở "Hang Tám Cô" trên Đường 20 quyết thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên người anh hùng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Hạnh; Các nữ công binh đã nguyện làm "tường đồng, vách sắt" kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường. Một đường bị chặn, hai, ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày ("đường kín") xuất hiện. Địch đánh một, ta làm mười; Các nữ giao liên luôn đảm bảo đưa đón bố trí nơi ǎn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh vào, ra các chiến trường an toàn, bí mật; Các nữ thông tin, cơ yếu, quân y... ngày đêm bám sát tuyến đường phục vụ đắc lực cho các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ; Các chị em làm nhiệm vụ vận tải lấy sức người thay cho phương tiện, đã bất chấp máy bay, bom đạn để vận chuyển vũ khí, hàng hóa về tới đích kịp phục vụ chiến trường; Các chị em làm công tác văn hóa, nghệ thuật, báo chí đã không nề gian khổ hy sinh xung phong vào tuyến đường để nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và các lực lượng. Những tác phẩm đầy nhiệt huyết, những giọng ngâm thơ, những, tiếng hát trẻ trung đầy sức sống và niềm tin vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, tha thiết với quê hương đất nước của các chị tại mặt trận, dưới bom đạn địch đã động viên cổ vũ rất lớn lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường của chiến sĩ, góp phần làm nên những chiến công huyến thoại của tuyến đường …;

Các nữ TNXP anh hùng: La Thị Tám, Nguyễn Thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp…đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam;

Và biết bao chị em đã gửi lại tuổi thanh xuân đang tràn đầy sức sống trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Tên tuổi, chiến công của họ đi vào lịch sử, vào thi ca cách mạng và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Cùng với những chị em trực tiếp trên tuyến đường là sự đóng góp, hy sinh to lớn của hàng triệu phụ nữ ở hậu phương, mà đỉnh cao là phong trào “Ba đảm đang” được Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 3 năm 1965. Họ là “Những người vừa làm tốt nghĩa vụ về sản xuất, công tác phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; vừa dũng cảm đảm đang gánh vác mọi công việc mới nặng nề, thay thế nam giới đi chiến đấu. Đồng thời, là những người mẹ hiền, người vợ chung thủy đặt nhiệm vụ cứu nước trên; khẳng khái động viên chồng con đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đảm đương việc nuôi dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con thơ dại, ổn định gia đình và giữ vững hậu phương lớn miền Bắc, ra sức chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ” (Lê Chân Phương, Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước, Nxb Phụ nữ 2005, tr. 5,6)

Có thể nói rằng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam là một cuộc chiến tranh phải huy động lực lượng quân đội rất lớn, mà Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là chiến trường tập trung lớn nhất sức người sức của để chiến thắng.

Đóng góp sức người cho Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, biết bao người mẹ, người vợ đã hy sinh tình cảm riêng tư của mình để tiễn con, tiễn chồng vào chiến trường Trường Sơn, dù biết là gian khổ, hy sinh. Mẹ Lê Thị Xuyến, 60 tuổi ở Ninh Bình tha thiết xin cho năm con trai được ở lại bộ đội, mẹ nói: “Dù các con tôi có hy sinh, tôi cũng vui lòng vì đã có những đứa con được cầm súng tiêu diệt đế quốc Mỹ”; Mẹ Nguyễn Thị Cư, 60 tuổi ở Hưng Yên cũng một lòng nói: “Tôi sẵn sàng hiến dâng ba con trai cho Tổ quốc…Tôi đã già không làm được nhiệm vụ trực tiếp đánh giặc Mỹ, nhưng tôi thấy có bổn phận động viên các con ra mặt trận”; Chị Nguyễn Thị Nụ ở Hải Dương, một nữ thương binh đã làm đơn đề nghị cho chồng là quân nhân chuyển nghành trở lại quân đội, chị viết: “…là một người dân yêu nước, tôi không thế nào ngồi yên trước những hành động xâm lược bỉ ổi của đế quốc Mỹ…” (Thiếu Tướng Lê Quang Hòa “Nhiệt liệt hoan nghênh phụ nữ Việt Nam đảm việc nước, đảm việc nhà”, Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước, sdd, tr.72 ).

Tha thiết với hạnh phúc gia đình, yêu thương chồng con thắm thiết, nhưng để giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng triệu phụ nữ đã gác tình riêng vì nghĩa lớn. Nhiều người mẹ tiễn chồng, con, rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha anh lên đường đánh giặc.

Có người mẹ nào, người vợ nào lại muốn xa chồng, xa con và lại càng khôngmuốn chồng, con mình đi đến nơi sống chết cận kề! Vậy mà vì chiến thắng của tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, hàng vạn người mẹ trên khắp đất nước ta không chỉ tiễn con trai, mà đã dứt lòng tiễn cả con gái – những đứa con thường được gọi là chân yếu, tay mềm, luôn yêu thương cận kề bên mẹ, để cung cấp sức người cho tuyến đường. Và những người con gái ấy đâu có muốn xa mẹ, đâu có muốn phải để mẹ vất vả vì ở nhà đã vắng bóng cha, anh, nhưng vì nghĩa lớn, mà họ sẵn sàng đi theo tiếng gọi củatuyến đường Trường Sơn đánh Mỹ. Liệt sĩ Hoàng Thị Minh Thú quê ở Quảng Bình hy sinh khi C 759 TNXP của chị đang lấp hố bom trên đường Ba Trại, bức thư chị viết cho mẹ trước lúc hy sinh 6 tiếng đồng hồ có đoạn: “Con đang phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. dù có đổ máu con cũng không tiếc tuổi xuân. Mẹ ơi! Con ở đây gian khổ và ác liệt lắm, cái chết với con từng phút từng giây. Nhưng nếu con có hy sinh thì xin mẹ đừng khóc, đừng buồn mà hãy tự hào vì con…” (Lại Văn Ly, Hồi ký Tuyến lửa những năm tháng sôi động, Sở GTVT Quảng Bình, 1993, tr.81)

Những hành động cao đẹp đầy nhiệt tình yêu nước và rực lửa căm thù của các mẹ, các chị không chỉ cung cấp sức người mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, nguồn cổ vũ lớn lao hàng ngày hàng giờ cho quyết tâm đánh thắng giặc mỹ xâm lược của các lực lượng vũ trang trên Đường Hồ Chí Minh - Trường sơn .

Đóng góp sức của cho chiến trường, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh, ở miền Bắc, lực lượng nữ nông dân chiếm hơn 70% lực lượng lao động sản xuất trên đồng ruộng, với khí thế “tay cày, tay súng” đã có vai trò to lớn trong bảo vệ, xây dựng quê hương, đặc biệt là nguồn sức mạnh vật chất cung cấp cho chiến trường. Hàng triệu phụ nữ sôi nổi thi đua đảm đang thay thế nam giới làm chủ ruộng đồng, bám biển, bám làng, đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện. Phong trào thâm canh tăng năng suất, từ Thái Bình, tỉnh đầu tiên năm 1965 đạt 5 tấn lúa/ha đã phát triển ra nhiều tỉnh có cánh đồng 5 tấn/ha. Từ thành quả lao động của mình, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chị em luôn luôn làm tròn nghĩa vụ với chiến trường. Tiêu biểu là 11 nữ anh hùng lao động nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi như anh hùng sản xuất nông nghiệp Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), anh hùng chăn nuôi Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), anh hùng thủy lợi Phạm Thị Vách (Hưng Yên) (Báo cáo Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ 4, tr.10).

Chiếm 52% tổng số thợ thủ công chuyên nghiệp, chị em tham gia nhiều ngành nghề truyền thống như dệt, thêu, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất cơ khí nhỏ…cùng với nữ công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp “tay búa, tay súng” với quyết tâm bất kể tình huống nào cũng bám máy, bám hàng sản xuất, phục vụ yêu cầu của chiến trường. Tiêu biểu như Nhà máy Dệt Nam Định với hơn 70% nữ công nhân lao động được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng.

Chị em trong các ngành Giáo dục, Y tế, đều với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai” để đảm đương phần công việc của anh em nam giới ra chiến trường.

Nhiều chị đã thay nam làm lãnh đạo địa phương, đơn vị, chủ nhiệm Hợp tác xã, đội trưởng sản xuất.

Đông đảo phụ nữ ở ven đường giao thông đã tích cực tham gia công tác đảm bảo giao thông. Chị em đã phối hợp cùng các đội đảm bảo giao thông sửa chửa cầu đường, san lấp hố bom, vận chuyển, cất dấu hàng hóa… Đó là tinh thần“xe chưa qua nhà không tiếc” của phụ nữ các tỉnh Khu IV, là tấm gương mẹ Trần Thị Choàngxã Quảng Thuận, Quảng bình đã tự đập tường nhà mình cho hạt giao thông làm đường và nhân dân, phụ nữ Quảng Thuận thực hiện câu ca:

“Hết nhà ta lại phá tường

Không để xe tắc và đường ta hư”

Các mẹ, các chị còntự giác giữ hàng coi xe, tự chặt lá ngụy trang cho bộ đội, dùng chổi xóa vết xe trên đường không cho địch phát hiện.

Một đóng góp không thể không nói tới của phụ nữ Việt Nam với tuyến đường Hồ Chí Minh là chị em đã sẵn sàng thay chồng, thay con đang chiến đấu trên tuyến đường chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con thơ, ổn định cuộc sống gia đình, để chồng con yên tâm làm nhiệm vụ. Vừa lao động, sản xuất, công tác; vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; vừa tần tảo chăm lo cho cuộc sống gia đình là nét nổi bật của phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thuỷ chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường.

Chúng ta tự hào thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam ta xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.

Nhận xét về phong trào “Ba đảm đang”, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã nói: “Phong trào Ba đảm đang, một phong trào sôi nổi, đáp ứng những yêu cầu cấp bách của kháng chiến, chị em phụ nữ đã gánh vác một nhiệm vụ vô cùng trọng đại là xây dựng, cũng cố hậu phương xã hội chủ nghĩa, thường xuyên tạo cho tiền tuyến nguồn sức mạnh vật chất và nguồn động viên tinh thần vô giá ”.

Đặc biệt, có những người khách nước ngoài đã không khỏi thán phục mà thốt lên: “Những người phụ nữ Việt Nam thật vĩ đại. Bây giờ chúng tôi đã hiểu vì sao các bạn đã chiến thắng giặc Mỹ trong trận chiến không cân sức đó”. (Đường Hồ Chí Minh trong ký ức một vị tướng, Báo Nhân dân ngày 27/4/2009)

Nói đến vai trò của: “Phụ nữ Việt Nam với tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nằm lại với đại ngàn Trường Sơn “Tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường”, trong đó có nhiều phụ nữ. Tên các chị, các anh đã trở thành tên đất nước, máu thịt các chị, các anh đã thành tượng đài nơi tuyến lửa.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng Đường Hồ Chí Minh- Trường Sơn mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tưởng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong trường ca chống Mỹ của dân tộc thế kỷ XX. Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh, 50 năm Bộ đội Trường Sơn, là dịp để tất cả chúng ta tri ân và soi rọi lại chính mình.

Trích bài phát biểu của PCT Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên tại Hội thảo khoa học “Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc” nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh lịch sử (19-5-1959 - 19-5-2009),

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video