Kỷ niệm được gặp Bác Hồ của nữ cựu thanh niên xung phong
Tuổi xuân nơi chiến trường
Năm 18 tuổi, tháng 6/1965, cô gái Nguyễn Thị Vân xung phong vào lực lượng TNXP Quảng Bình, được phân công vào Tiểu đội 5, Đại đội 755, Đội N75, P31. Đơn vị có nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom ở tuyến đường 12 và 15 - Đông Trường Sơn.
Bản thân cô gái 18 tuổi này cũng chẳng thể nghĩ rằng mình có thể sống sót, bám trụ trên tuyến lửa này trong những năm tháng Mỹ bắn phá ác liệt từ 1965 - 1970. Ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào cuộc chiến đấu mới, chứng kiến cái chết dữ dội, bi thương của 6 người đồng đội bị trúng bom địch, Vân đã phải chịu đựng cú sốc tinh thần một thời gian. Nhưng rồi, tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc đã giúp cô gái xứ Nghệ vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, vững vàng làm nhiệm vụ san rừng, bạt núi, mở đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
“Pháo sáng vừa tắt, bom Mỹ trùm lên và tất cả đã hòa vào đất… Đó là nỗi khiếp sợ trong ngày đầu bước chân vào cuộc chiến, tôi đã phải chịu đựng cú sốc tinh thần lớn trước những cái chết dữ dội, bi thương của những đồng đội của tôi”, cô gái TNXP Nguyễn Thị Vân năm xưa kể lại.
Trên cung đường huyết mạch này, những trận bom, những lần rải chất độc hóa học để khai quang đã đốt rụi cánh rừng nguyên sinh dọc hai bên đường. Địch bắn phá bất kể ngày đêm hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Gian khổ, ác liệt, sự sống và cái chết luôn gần kề. Những nhát cuốc vẫn bổ xuống, những hố bom nhanh chóng được san lấp, đất đỏ quạch lên một màu lẫn với máu, mồ hôi của hàng vạn TNXP lao vào nhiệm vụ san rừng, bạt núi mở đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Bà Vân kể: “Tháng 7/1966, km 465 đường 12 là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ. Bán kính 2 cây số quanh km 465 dày đặc hố bom. Chúng tôi được lệnh chi viện lên cùng Đại đội 759 san lấp hố bom, thông đường cho xe chạy. Ngày 3/7/1966, trận bom của địch dội trúng đội hình của Đại đội 759, 7 người bị vùi lấp. Chúng tôi đào bới tìm kiếm nhưng không có kết quả. Đồi 37 (được đặt tên theo ngày xảy ra sự kiện) thành nấm mồ chung của 7 TNXP”.
TNXP chống Mỹ vác hòm đạn chi viện chiến trường miền Nam
Suốt 5 năm tham gia mở đường, san lấp hố bom trên tuyến đường Trường Sơn, không ít lần cô gái Nguyễn Thị Vân cận kề cái chết. Năm 1968, Tiểu đội 5 được phân công san lấp hố bom tại tọa độ 466 - một trong những trọng điểm bị địch đánh bắn phá ác liệt.
“Mọi người xác định vào đó là “9 mất, 1 còn” nên đơn vị tổ chức truy điệu sống cho toàn tiểu đội. Trước giờ làm nhiệm vụ, lý lịch từng người được đọc lên, đồ đạc tư trang được ghi tên gửi lại. Chúng tôi vác cuốc xẻng lên đường... Nhưng rồi hình như bom đạn lại né người. Hết bom lại ra đào đắp, quyết không để đường bị đứt, bị tắc””, cựu TNXP Nguyễn Thị Vân kể lại.
Từ "tọa độ lửa" ra Thủ đô gặp Bác Hồ
Có lẽ, trong cuộc đời của bà Nguyễn Thị Vân, ngoài kỷ niệm về những năm tháng tham gia nơi chiến trường, kỷ niệm được gặp Bác Hồ có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời TNXP của bà Vân. Bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ, bà Vân phóng to, treo trang trọng trong căn nhà nhỏ của gia đình.
“Tháng 1/1967, tôi là người đại diện cho đơn vị được cử ra Thủ đô dự Đại hội thi đua toàn Miền Bắc các đội TNXP chống Mỹ. Ngày rời đơn vị đi, mấy chị em trong đơn vị háo hức: “Lần này ra Hà Nội, chắc mày sẽ được gặp Bác Hồ đấy”. Tôi cũng háo hức như các chị em, bởi đó là vinh dự, cũng là niềm ao ước của những TNXP như chúng tôi".
Nữ TNXP Nguyễn Thị Vân (ngoài cùng bên trái) may mắn được chụp chung với Bác Hồ trong lần ra Thủ đô dự Đại hội thi đua toàn Miền Bắc các đội TNXP chống Mỹ, năm 1967
Hành trình từ "tọa độ lửa" ra Thủ đô ròng rã 10 ngày liền. Ban tổ chức ưu tiên cho đoàn đại biểu Nghệ An và Quảng Bình ngồi hàng ghế đầu. “Hôm đó, cả hội trường đang im lặng nghe đồng chí Tạ Quang Chiến -Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Giao thông Vận tải đọc báo cáo thì Bác Hồ xuất hiện! Cả hội trường bống ùa lên đón Bác. Tôi được đứng gần với Bác, cách một chị nữa. Bác bình dị, gần gũi quá!. Bác cười, nhìn chúng tôi khắp lượt rồi bảo “Các cháu về chỗ ngồi để Đại hội tiếp tục làm việc”, nhưng không ai chịu về mà cứ quấn lấy Bác”, Bà Vân bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng trong đời của mình.
Đồng chí Tạ Quan Chiến - Chủ tịch đoàn mời Bác nói chuyện. Bác hỏi: “Các cháu nhìn thấy Bác rõ chưa?”. Cả hội trường đồng thanh đáp: “Rõ rồi Bác ạ!”. Bác xin phép Chủ tịch đoàn phát biểu với đại hội.
Bác nói: ““Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 1 chúng ta mới có 7 người được tuyên dương anh hùng, Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 2 có thêm 95 anh hùng. Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 3, số người được tuyên dương anh hùng nhiều hơn. Đại hội Thi đua chống Mỹ cứu nước vừa rồi chúng ta có thêm 45 đơn vị anh hùng và 111 anh hùng. Trong số 111 anh hùng được tuyên dương có 44 anh hùng là thanh niên, trong đó 12 anh hùng là thanh niên gái. Cháu nào được tuyên anh hùng thì giữ cho được, cháu nào chưa được anh hùng thì cố gắng cho được”.
Ngay sau đó, đồng chí Tố Hữu ngâm 4 câu thơ của Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”... Bác đứng dậy xin phép đại hội về. Bác đi rồi, cả hội trường trầm lắng...
Đại hội xong, cô TNXP Nguyễn Thị Vân quay trở lại tuyến lửa Trường Sơn, tiếp tục nhiệm vụ của mình. Ngày trở về, các chị em trong đơn vị chạy ra đón chị Vân và lắng nghe chị kể về chuyến đi được gặp Bác Hồ trong niềm sung sướng.
Ít lâu sau, đoàn cán bộ Trung ương đi qua đơn vị, tặng Đại đội trưởng Nguyễn Thị Vân 1 bức ảnh – đó là bức ảnh đoàn đại biểu TNXP Quảng Bình và Nghệ An với Bác Hồ! Bức ảnh theo bà suốt dọc đường Trường Sơn và những năm tháng còn lại của cuộc đời nữ TNXP Nguyễn Thị Vân.
“Tôi vẫn nhớ như in lời bác dạy: “Thanh niên xung phong là trường học lớn để rèn luyện. Dù trên bom dưới đạn của địch phải luôn bảo đảm thông đường cho xe ra chiến trường và phải học để kiến quốc…”, cựu nữ TNXP tự hào.