Phận gái không chồng

19/12/2007
Chị Nguyễn Thị Tự, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Lý- Hiệp Hòa-Bắc Giang, vừa cười vừa cải chính lại thông tin mà tôi đang nghi hoặc. “Nói ra thì thật xấu hổ, con số 156 chị em phụ nữ đơn thân mà anh đưa ra là đúng nhưng chưa đủ..."

Chị Tự nói tiếp: "156 người đó là xếp theo tiêu chuẩn từ 35 tới khoảng 50 tuổi (không chồng và đã từng có chồng) còn ở quê tôi số phụ nữ từ tầm 25 đến dưới 35 (độ tuổi nay ở quê, con gái cầm chắc phận... ế) nhiều như... ốc bươu vàng. Do vậy mà tính tổng thể số phụ nữ đơn thân ở Bắc Lý phải khoảng 200 người". Chao ôi! 200-con số tính toán cơ học tưởng vô tri ấy khiến cho tôi chợt giật mình, xa xót...

Những ngôi nhà "không nóc”

Đó không phải là những nhà mái bằng, bởi Bắc Lý còn nghèo lắm, đa số nhà đều là cấp bốn, lợp ngói, mốc thếch và rêu phong. Nhà không nóc ở đây là ý nói đến những đứa trẻ "con không cha như nhà không nóc". Chúng tôi đến nhà bà Ngô Thị Sâm-một phụ nữ đơn thân "đời đầu” ở Bắc Lý nói như lời chị Tự-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Sau một hồi men theo con đường đất trơ lõi sỏi, trắng phau, chị Tự sẽ sàng nhấc mấy cành rào tre và bảo: “Cổng nhà chị Sâm đây rồi". Nghe tiếng động, một người phụ nữ từ trong vườn bước ra.

Trông chị thật khó đoán tuổi, nước da xạm nắng, mặt hằn những dấu chân chim xếp ngược nhưng phảng phất vẫn còn những nét duyên thầm của một thời con gái. "Tôi sinh năm 1948, từng là thanh niên xung phong ở cung đường Sơn Động-Yên Tử” - chị Sâm bắt đầu câu chuyện buồn của mình với chúng tôi như vậy. Những cung đường xung phong máu lửa đã gạn đi hết tuổi trẻ, sức xuân của chị Sâm.

Thương con, bố chị đã động viên chị về quê năm 1976. Đứng tuổi, ốm yếu lại hồi hương đúng thưở hậu chiến, hiếm trai. "Có anh què anh cụt, sứt môi, hở rốn nào gái làng cũng đã vơ hết" nên chị Sâm chịu cảnh "trâu chậm uống nước đục". Không chịu nổi cảnh cô quạnh, chị Sâm đã chấp nhận gá nghĩa với một người đàn ông đã có gia đình và "sản phẩm" của mối tình vụng trộm đó là đứa bé mang họ mẹ: Ngô Thị Nhung.

Khi Nhung được mấy tháng tuổi, bố chị lại mất (mẹ chị mất trước đó vài năm). Hết chỗ nương tựa, chị Sâm ôm đứa con đỏ hỏn ấy ra dựng một túp lều ở riêng. Hoàn cảnh éo le, mẹ đơn thân, con tuy có cha nhưng cũng tựa mồ côi nên hai mẹ con chị sống lay lắt qua ngày với những bữa cơm độn toàn sắn, ngô. Cực quá, chị Sâm xin ra khỏi Đảng, ra khỏi HTX để đi gánh đá mướn. Cả ngày để con nhỏ ở nhà, chị quần quật vác đá. Vai trầy trật tứa máu cũng mặc! Nhiều lúc sữa thấm ướt cả vạt áo ngoài, phải vắt ra cho bớt tức.

Nhìn những giọt sữa trắng bắn thành tia rơi xuống đá nóng bỏng, chị lại khóc vì thương đứa con ốm o, xanh rớt đang khát sữa gào khản tiếng ở nhà... Lên hơn một tuổi, bé Nhung bị lên đậu mùa, không tiền thuốc men chạy chữa. Ôm mớ vải màn rách rưới bọc đứa con nhỏ người lấm tấm đầy vết đậu mùa đỏ choét, mưng mủ, mà chị quặn lòng. Rồi đận chị ốm, bé Nhung phải nghỉ học lớp 8 để đi làm, chăm mẹ ròng rã cả năm trời.

Sức yếu, lao động quá sức em đã bị hoại tử đường ruột tưởng không qua khỏi. Mẹ con chị Sâm đã trải qua những tháng ngày cực khổ đến không ngờ như vậy. Hôm nay, Ngô Thị Nhung đã may mắn có công ăn việc làm, lấy chồng ở xa. Chị Sâm lại tiếp tục cảnh đơn thân. Ngôi nhà nhỏ bé nhưng quanh ra quẩn vào một mình, chị Sâm cảm thấy nó rộng lớn, trống trải đến rợn người...

Khi tôi đến nhà chị Trần Thị Tài, hai mẹ con chị đang chặt sen lấy hạt. Tỉ mẩn, họ đưa từng hạt sen bé xíu lên chiếc gốc cây được cắt cụt làm thớt rồi lấy dao chẻ, tách vỏ ra một đằng, hạt ra một nẻo. Giữa trưa, nóng hầm hập, cả hai đều đẫm mồ hôi. Thấy khách lạ, chị Tài cập rập pha trà, mời khách. Nhìn quanh chẳng có một chiếc ghế nào, chúng tôi đành ngồi bệt xuống chiếc giường một chân bị gãy được thay bằng chồng gạch. "Chị chặt sen thế này được khá không?". Tôi hỏi. “Một cân được 700 đồng. Ngày hai mẹ con chặt cật lực được 5-6 cân. Chỉ đủ tiền mắm muối thôi".

Chị Tài thuộc tuýp phụ nữ đơn thân "đời thứ hai" ở Bắc Lý. Năm nay chị 38 tuổi. Bị dị tật ở một tay từ nhỏ, lúc đã đứng tuổi, thây kệ miệng thế nhân, chị Tài chấp nhận tạm bợ với một người đàn ông. Trần Thị Diệu Linh- giọt máu của mối tình hoang dại đó - năm nay đã lên lớp 6.

Hiện hai mẹ con chị sinh sống bằng nghề bán tạp hóa ngay tại chợ phiên trong vùng. Năm ngày chợ họp một lần. Bán chạy thì được khoảng 10.000 đồng, còn không thì... lại làm lặt vặt bất cứ công việc gì mà người ta thuê. Số tiền eo hẹp đó chi đủ để hai mẹ con chị chi dùng cho những khoản sinh hoạt thường ngày một cách tằn tiện nhất...

Như một an ủi của tạo hóa, Trần Thị Diệu Linh học rất giỏi. Vừa cầm tờ giấy khen đóng dấu đỏ chói ra khoe tôi, bé vừa hồn nhiên nói: "Cháu chỉ ước ao mẹ có tiền cho cháu học tiếp để mai này làm bác sĩ. Mẹ cháu yếu rồi, sau này phải có người chăm...". Nhìn đôi mắt trẻ thơ long lanh niềm vui, tôi cũng không biết nói gì hơn vì chẳng may lỡ lời làm hỏng ước mơ tốt đẹp của cháu. Con người khi không còn ước mơ thì còn bấu víu vào đâu?

Xót xa phận gái không chồng

Điều kỳ lạ là Bắc Lý không chỉ đông phụ nữ đơn thân mà có những nhà có tới 2, 3 chị em không có chồng thậm chí còn có gia đình hai mẹ con hay hai dì cháu đều... đơn thân. Ba chị em gái Nguyễn Thị Hòe, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Năm là một trường hợp điển hình... Gõ cửa nhà chị Ba, sau một hồi chó sủa quyết liệt, cánh cổng bỗng... bật ra, đổ vật xuống. Chúng tôi đang luống cuống đỡ vội thì chị Ba ngượng ngùng giải thích: "Khổ! Hai cái bản lề đều bong mà tôi sức yếu không sửa được...”. Nhà chị Ba-một căn nhà nhỏ tựa như một tổ chim câu, thấp nóng và ngột ngạt.

Mấy đứa trẻ ùa ra đón khách. Chúng đều quần áo lem luốc, tranh nhau miếng xoài xanh. "Lũ cháu con chị Năm và con chú Diễn đó". Trong ba chị em gái thì chỉ có chị Năm là "may mắn" nhất. Cũng ở cảnh không chồng nhưng chị kiếm được hai đứa con nhỡ nhàng để nương tựa tuổi già. Anh Nguyễn Xuân Diễn-em chị Ba - tâm sự: "Nhà hoàn cảnh như vậy nên một mình tôi trông coi bốn bếp: nhà mình và ba chị em gái. Nhiều khi đi làm xa nhưng vẫn đau đáu lo việc ruộng đồng, đau ốm của các chị mà vẫn không xuể". Hoàn cảnh nhà nghèo, đứa con đầu nhà chị Năm mới 15 tuổi, hè này đã lên Lạng Sơn làm cửu vạn lấy tiền nuôi mẹ, chăm em. Cảnh nhà bà Ngô Thị Sáu cùng chung một nỗi buồn như vậy.

Bà Sáu là phận gái không chồng, nay đứa con gái duy nhất của bà là Ngô Thị Vân cũng đồng một cảnh ngộ giống mẹ. Khi chúng tôi đến nhà bà Sáu, chị Vân vừa sinh con được 20 ngày. Lom khom trong cảnh tranh tối, tranh sáng để tránh những vải xô, tã lót. Một mùi nước đái lưu cữu cùng mùi quần áo ẩm mốc xộc thẳng vào mũi chúng tôi. Loay hoay một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng kiếm được chỗ để ngồi. Thấy người lạ, lại trẻ đến nên Vân ngại ẩn trong buồng không ra khiến chúng tôi đành nói dối là cán bộ xã hội học điều tra tình hình địa phương thì chị mới bế con ra.

Đứa trẻ nhỏ như một con mèo nằm gọn trong lòng chị. Mặt đỏ lựng vì ngượng ngập, chị bối rối phân bua: "Cháu nó đang sốt nên tránh gió máy...". Tôi để ý thấy ánh mắt của chị Vân rạng rỡ niềm vui làm mẹ. Điều may mắn của đứa cháu bà Sáu hơn mẹ nó và rất nhiều đứa con không cha khác ở Bắc Lý là nó không phải mang họ mẹ mà lấy họ của bố (mặc dù là lén lút bởi bố nó đã từng có vợ và con ở quê). Có lẽ đó là hành trang duy nhất của cậu bé Trần Đức Cầu. Liệu Cầu có may mắn hơn những đứa trẻ khác ở làng?

Tương lai nào cho những "bến không chồng"

Câu hỏi ấy có lẽ quá khó đối với những cán bộ xã Bắc Lý. Chị Tự dốc luột bầu tâm sự: “Còn tương lai nào? Trước đây có hẳn một đơn vị bộ đội đóng ở Bắc Lý mà số chị em lấy chồng bộ đội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nay thì mỗi xóm có đến hàng chục cô ế chồng thậm chí có xóm tỉ lệ ế đã lên tới mức hơn 1/10 thì anh bảo còn tương lai nào?".

Không ngờ đang từ thế người hỏi lại trở thành đối tượng bị... hỏi. Tôi đâm bí! Bí thực sự! Mang cả băn khoăn ấy ra tới đầu làng, thì tình cờ chứng kiến một đám đông xúm đen, xúm đỏ quanh một người phụ nữ dở hơi, ăn mặc rách rưới đang nghêu ngao hát những lời rất ngô nghê:

“... Bà có bảy con gà xám, tám con gà vàng
Bắt hủy, bắt hoang còn 15 con nữa
Bà mất trộm hôm rằm, sáng
hôm 16 nó còn ở đây..."

Ai đó chép miệng bảo tôi rằng: "Cô Quý dở hơi đó", rằng "hai dì cháu (Quý và Thảo) đều không chồng nên sinh bệnh vậy".

Tôi rời "bến không chồng" trong một chiều hè ngột ngạt.

Theo ĐĐKCT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video