Phiên họp thứ 4, Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Nghỉ thai sản 6 tháng, hạn chế tăng giờ làm

19/12/2011
Đó cũng là hai vấn đề được xem là “nóng” nhất trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này. Tranh luận sôi nổi, với nhiều lập luận sắc bén tại phiên họp của Ủy ban TVQH hôm 15/12 liên quan đến 2 vấn đề trên.

6 tháng nghỉ thai sản

 

Kết thúc buổi làm việc sáng 15/12, Ủy ban TVQH đã đồng ý rằng lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng và được hưởng đầy đủ quyền lợi. Nhưng, họ cũng có thể đi làm khi đã nghỉ đủ 4 tháng nếu có thỏa thuận với người sử dụng lao động. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa 6 tháng để phù hợp với điều kiện thực tế và các nhóm công việc khác nhau. Trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ trong khoảng thời gian 4 tháng đến 6 tháng và vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản. Khoảng thời gian nghỉ ngơi cho thai phụ tăng lên 6 tháng được nhận định là giúp cho bà mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và qua đó chăm sóc trẻ được tốt hơn, trẻ ít đau ốm, bệnh tật hơn.

 

Trước đó, Chính phủ có đề nghị khi sửa Bộ Luật Lao động thì thời gian nghỉ thai sản sẽ là 5 tháng thay vì 4 tháng như hiện hành.

 

Tại buổi làm việc này, cũng có ý kiến cho rằng chế độ thai sản tăng lên 6 tháng sẽ gây khó khăn cho Quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu đã thống nhất cho rằng nếu bảo hiểm xã hội gặp khó khăn thì nhà nước sẽ có chính sách an sinh hỗ trợ.

 

Hạn chế tăng giờ làm nhưng tăng thù lao

 

Nội dung quan trọng thứ hai được các đại biểu bàn luận nhiều liên quan đến thời gian làm thêm của người lao động. Quy định hiện hành, người lao động làm thêm không quá 200giờ mỗi năm. Có ý kiến điều chỉnh lên 360giờ với lập luận cho rằng sẽ giúp người lao động tăng thêm thu nhập.

 

Tuy nhiên, tại buổi thảo luận ngày 15/12, đa số các ý kiến đã không đồng tình với quan điểm trên. Cả Ủy ban Các vấn đề xã hội và Ủy ban Pháp luật Quốc hội cùng cho rằng việc kéo dài giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ. Khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên. Thời giờ làm việc giảm xuống sẽ bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động. Ngoài ra, tăng giờ làm thêm còn có thể khiến doanh nghiệp lợi dụng để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Kinh nghiệm thực tiễn của một số nước cũng cho thấy, năng suất lao động của thời gian làm thêm giờ thường giảm sút và dễ gây ra tai nạn lao động.

 

Ủy ban TVQH đã thống nhất giữ nguyên thời gian làm thêm như hiện hành. Chỉ một số lĩnh vực đặc biệt mới tăng giờ làm thêm, cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.

 

Một tin vui khác cho người lao động, tiền công đối với giờ làm thêm cũng sẽ tăng bình quân 20%. Cụ thể, làm thêm vào giờ bình thường là 200% mức lương (mức cũ là 180%); làm thêm vào ban đêm ngày nghỉ hàng tuần là 250% mức lương (mức cũ 230%); làm thêm vào ngày nghỉ lễ tết là 350% mức lương (mức cũ 330%).

 

Dự kiến, Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tháng 5/2012.

 

Luật Giá phải để giá không về thời bao cấp

 

Cũng trong ngày 15/12, Ủy ban TVQH thảo luận về Luật Giá. Các đại biểu cho rằng luật này là quan trọng và cần thiết phải thông qua. Tuy nhiên, việc xác định đến 13 loại hàng hóa và dịch vụ nhà nước quản lý giá có thể khiến giá cả trở về thời bao cấp. Nên xác định thời kỳ nhà nước quản lý giá với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Các hàng hóa kiểm soát giá điển hình là:  xăng dầu thành phẩm, xi măng, thép xây dựng, đạm urê, thuốc bảo vệ thực vật, muối hạt trắng, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường, thóc lúa gạo...

 

Theo giadinh.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video