Phụ nữ Bình Định tiên phong tạo dựng nền sản xuất thân thiện với môi trường

20/12/2021
Ngày 20/12, Ðại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam và ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định tham dự tại Đại hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Bùi Thị Hòa (hàng trên, bìa phải) tặng Đại hội bức tranh gạo - Biểu trưng chính thức của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII mang chủ đề “Phụ nữ Việt Nam khát vọng vươn xa”. Ảnh: Minh Cần.

Bình Định là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt bão, lũ hàng năm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, chị em hội viên phụ nữ, cũng như các hoạt động phong trào Hội. Khó khăn là vậy nhưng phụ nữ Bình Định đã phát huy nội lực mạnh mẽ của vùng đất võ anh hùng để vươn lên và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội LHPN các cấp thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Công tác tuyên truyền, vận động tạo được hiệu ứng, sự lan tỏa tích cực.

Phụ nữ Bình Định đã phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường. Ảnh: Minh Cần.

Phụ nữ Bình Định đã phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường, nắm bắt nhanh các cơ hội, năng động trong lao động sản xuất, tiên phong tạo dựng một nền sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Phụ nữ khu vực nông nghiệp là lực lượng đóng góp đáng kể vào xây dựng nông thôn mới. Chị em tích cực tham gia mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã do nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý, đã có 15 sản phẩm từ các cơ sở sản xuất do nữ làm chủ đạt tiêu chuẩn OCOP. Đội ngũ nữ doanh nhân đã nỗ lực để duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn, đồng hành, chia sẻ với chính quyền trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội. Ảnh: Minh Cần.

Điểm nổi bật, các cấp Hội chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tích cực hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" với nhiều mô hình, cách làm hay và hiệu quả như: "Phụ nữ không sử dụng túi nilon", Lễ Phát động "Sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường", "Phụ nữ tiểu thương sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường", "Phụ nữ với phong trào chống rác thải nhựa"… Các cáp hội còn quan tâm đến phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Đến nay, tỷ lệ hội viên có nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch tại các thị trấn tăng lên đáng kể thông qua nguồn vốn vay, Quỹ quay vòng vốn vệ sinh hộ gia đình của Hội LHPN tỉnh Bình Định, với 1.500 hộ vay vốn xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tỉnh ủy Bình Định tặng 200 triệu cho chương trình Triệu phần quà san sẻ yêu thương. Ảnh: Minh Cần.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Bùi Thị Hòa nhấn mạnh một số nội dung: Thứ nhất, tiếp tục phát huy các phẩm chất tốt đẹp để xây dựng hình ảnh người phụ nữ Bình Định thời đại mới có kiến thức, đạo đức, sức khỏe có trách nhiệm với gia đình và Tổ Quốc, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Thứ 2, các cấp Hội cần đề ra các giải pháp khả thi, phù hợp thúc đẩy hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh duy trì các mô hình giảm nghèo, xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Cần tập trung giữ gìn và bảo tồn các nghề truyền thống, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng Bình Định trở thành tỉnh du lịch "3 tốt" và "3 không".

Thứ 3, Hội LHPN tỉnh Bình Định cần tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, tham mưu, đề xuất, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại địa phương. Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan nhà nước trong công tác giám sát, phản biện xã hội về các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới. Kịp thời chuẩn bị nguồn cán bộ nữ có chất lượng cao cho hệ thống chính trị các cấp, góp phần duy trì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Cấp ủy, Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Thứ 4, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và tổ chức hoạt động Hội. Thường xuyên chăm lo, nâng cao chất lượng tổ chức Hội, nhất là Hội cơ sở. Cần nắm chắc tình hình phụ nữ, các lực lượng phụ nữ đặc thù để đưa ra các hình thức phù hợp thu hút hội viên tham gia. Các cấp Hội phụ nữ cần quán triệt và thực hiện đúng nhiệm vụ và vai trò của mình với phương châm "Tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cùng cơ sở, xã nắm chắc Hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ", lấy hạnh phúc của phụ nữ làm mục tiêu phấn đấu, lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.  

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video