Phụ nữ góp phần khôi phục làng nghề

13/03/2007
Khôi phục các làng nghề truyền thống tại địa phương như mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm đèn lồng, trồng rau sạch, làm bánh tráng, chế biến hải sản… không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa mà còn tạo nguồn thu nhập cho phụ nữ. Từ đây, nhiều phụ nữ vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Từ làng dệt thổ cẩm Zara


Làng dệt vải thổ cẩm Zara (Tà Bhing - Nam Giang) nằm trong dự án khôi phục các làng dệt vải thổ cẩm tại hai huyện Nam Giang và Phước Sơn với số vốn hỗ trợ là 20 triệu đồng.  Trước, vải dệt ra làm áo, váy, tút,  để mặc, trang trí hoặc đem sang các bản đổi lấy gạo, lúa, con heo; nay một tấm vải đủ may  một bộ váy áo (dệt trong 2 tháng) có thể bán được 500.000đồng. Chị Alăng Thị Hiên cho biết như vậy và kể thêm rằng, làng Zara xưa đàn bà con gái ai cũng biết dệt vải giỏi, tiếng bay khắp núi. Đàn ông con trai các làng bên thích lấy vợ là con gái làng. Trong bất kỳ lễ hội nào, cứ nhìn váy áo xập xòe trong điệu nhảy tung ting, za zá là có thể phân biệt được ngay vải nào là của người làng Zara dệt.  Đời sống khó khăn một phần, phần khác nhiều phụ nữ (PN) dần bắt chước cách ăn mặc, trang phục của người đồng bằng, ít người còn mặc trang phục truyền thống nên tay dệt vải cũng không còn mấy người. Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Giang Briu Thị Gươh cho biết: Kết quả kinh tế mang lại dù cầm chừng, bởi để làm ra sản phẩm thì công đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao mà đầu ra lại không ổn định  nhưng việc khôi phục nghề dệt cũng đã chỉ ra cho chị em một cách làm mới có thể tạo thu nhập cho gia đình ngoài việc lên rẫy tỉa bắp, trồng đậu.


Đến nguồn vốn khôi phục làng nghề


Khôi phục làng nghề ba năm trở lại đây được Hội LHPN tỉnh rất chú trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ. Hiệu quả nhất phải kể đến nguồn vốn giải quyết việc làm (còn gọi là vốn 120). Phối hợp với các ngành liên quan, hiện tại đã có 33 làng nghề được khôi phục, trong đó nổi lên như làng dệt thổ cẩm Zara; làng gốm Thanh Hà (Hội An), nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ), Bình Minh (Thăng Bình), dệt vải Duy Trinh, Duy Trung; mây tre đan Bình Nguyên; hương Hà Lam ; bánh tráng Đại Lộc ; dệt chiếu Tam Thăng… Tên làng một thời gắn bó và nổi tiếng với sản phẩm làm ra lại được nhắc đến sau thời gian dài chìm lắng.


Không như trước đây vốn vay nhỏ, người vay chỉ đủ vốn để đầu tư làm ăn nhỏ lẻ nên đối tượng vay giảm nghèo là chính. Hai năm trở lại đây, doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ có thể vay với số vốn lớn, phát triển kinh tế theo kiểu nói của chị em là “cho vay khởi sự doanh nghiệp” (với mức vay  5- 20 triệu đồng/chủ doanh nghiệp). Những doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, từ nguồn vốn vay này, có thể kèm “dự án cơ hội”, sẽ có thêm điều kiện phát triển doanh nghiệp của mình. Năm 2006, có 9 PN vay từ nguồn vốn 120 để khôi phục và phát triển làng nghề với số tiền là 62 triệu đồng, nâng tổng số vốn từ nguồn vốn 120 mà các cấp hội quản lý hơn 1,8 tỷ đồng, cho 355 PN vay. Bà Phan Thị Yến Nhi -  Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: đối với doanh nghiệp nữ, nguồn vốn 120 đã thực sự giúp họ có cơ hội “bung ra” làm ăn lớn.


Thực tế, các doanh nghiệp nhờ có vốn đầu  tư nên nhanh chóng phát triển, chiếm lĩnh thị trường và có thể độc lập vốn. Các doanh nghiệp nữ của dự án nước mắm Bình Minh (Thăng Bình) vừa hoàn trả vốn 70 triệu đồng sau hơn 1 năm vay và số vốn này được luân chuyển cho dự án mây tre đan Bình Nguyên (Thăng Bình). Tùy  dự án mà chủ doanh nghiệp được vay ít hay nhiều. Như dự án khôi phục làng nghề bánh tráng Đại Lộc, với 100 triệu đồng được giải ngân, dự án rau sạch Cẩm Hà (Hội An) 250 triệu đồng, dệt chiếu Tam Thăng 100 triệu đồng, dệt vải Duy Trinh, Duy Trung 300 triệu đồng. Tạo   việc làm cho chị em ở cơ sở, nhất là giải quyết lao động nông nhàn là một trong những mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ đưa ra khi chọn cho mình những dự án khôi phục làng nghề để phát triển kinh tế. Bởi theo họ, làng nghề truyền thống đã có sẵn từ bao đời, vấn đề bây giờ là có vốn để đầu tư, khôi phục. Cách kinh doanh này ít rủi ro hơn và cũng phù hợp với phụ nữ hơn. Với mức lãi suất 0,65%/tháng, nguồn vốn 120 đã thật sự tạo cơ hội để PN phát triển kinh tế, góp phần khôi phục làng nghề truyền thống theo chủ trương chung của tỉnh.

Báo Quảng Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video