Phụ nữ Long Sơn: Thoát nghèo nhờ được học nghề

16/03/2013
Sau hai năm thực hiện, đề án “Đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn” đã giúp nhiều lao động nữ (LĐN) ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) được học nghề. Toàn xã có gần 400 LĐN được học các nghề trang điểm, sơn vẽ móng tay, đan lát, vi tính...

Trong số 17 xã, phường trên địa bàn TP. Vũng Tàu, xã Long Sơn là địa phương đầu tiên được Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Vũng Tàu chọn thực hiện và triển khai đề án “Đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn”. Trước thực tế của địa phương và nhu cầu của người học, Phòng LĐ-TB-XH TP.Vũng Tàu đã mở hai khóa học đan lát, thu hút 85 LĐN học nghề. Đây cũng là lớp đào tạo nghề đầu tiên được mở tại xã Long Sơn. Phần lớn học viên đến học nghề là những chị em nhàn rỗi, không có việc làm, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian học 3 tháng, các học viên đều có nghề cầm tay và tìm được việc làm, có thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân xã đảo này.

Bà Lê Thị Kim Hồng, 60 tuổi, ở thôn 4 cho biết, trước đây, bà ở nhà làm nội trợ, mọi thu nhập trong nhà đều dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của chồng nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Biết xã mở lớp đan lát, bà Hồng đăng ký xin học. Từ khi được học nghề đến nay, mỗi tháng bà kiếm được từ 1,5 - 2 triệu đồng bằng nghề đan giỏ lục bình. Ngày nào cũng thế, sau khi dọn dẹp nhà cửa, đi chợ về, bà Hồng đều dành 4-5 tiếng đồng hồ để đan giỏ. Thuận lợi của nghề này là làm tại nhà, bỏ công sức ít lại có nơi mua sản phẩm tại nhà nên phù hợp với lao động nhàn rỗi. “Tôi vừa trông cháu, vừa làm nội trợ, tranh thủ thời gian rảnh thì làm thêm. Công việc này không ảnh hưởng đến việc nhà, lại có thêm thu nhập, rất phù hợp với những người nội trợ” - bà Hồng nhận xét. Thạo nghề, bà Hồng còn chỉ lại cho 5 LĐN gần nhà, giúp chị em có việc làm và thu nhập.

Trong năm 2012, Phòng LĐ-TB-XH TP. Vũng Tàu còn phối hợp với Trung tâm thẩm mỹ Sài Gòn (chi nhánh Đất Đỏ) mở hai lớp trang điểm và sơn vẽ móng tay cho 70 LĐN tại địa phương. Các khóa học này đã tạo điều kiện cho chị em được học nghề, không mất tiền học phí mà còn được học tại địa phương. Chị Võ Thị Kim Phụng, 31 tuổi, ở thôn 4 kể, trước đây, chị muốn đi học sơn móng tay nhưng không có thời gian và chi phí để học nên chỉ làm phụ uốn tóc cho một tiệm gần nhà. Lớp học sơn móng tay mở ra, chị nghỉ làm đi học nghề. Sau khi học xong, không những có nghề trong tay mà chị Phụng còn nhận được 1,5 triệu đồng từ dự án hỗ trợ cho người học nghề và chị đã hùn vốn với chị gái mở một tiệm sơn móng tay, mỗi tháng có thu nhập 2-3 triệu đồng, cao hơn trước đây đi làm thuê.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Oanh, 25 tuổi, ở thôn 10 cũng được học nghề trang điểm cô dâu của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Sau khi tham gia khóa học trang điểm, chị Oanh đã nâng cao được tay nghề, tiệm của chị có nhiều khách thuê đồ cưới và trang điểm hơn. Vì vậy, thu nhập của chị cũng được nâng lên gấp rưỡi. Cuộc sống gia đình chị cũng đỡ vất vả hơn.

Bà Đặng Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Sơn cho biết, các lớp dạy nghề đều được chọn lọc kỹ càng, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học và việc làm tại địa phương. Do vậy, khi học nghề xong, chị em đều có việc làm với thu nhập ổn định. Nhờ có nghề trong tay, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã thoát nghèo. “Trước đây, chị em không có việc làm, nhiều LĐN phải sống phụ thuộc vào chồng con, kinh tế gia đình lại khó khăn. Nhưng giờ thì khác, các phụ nữ nghèo được học nghề đã có việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cuộc sống đỡ vất vả hơn” - bà Thủy nói thêm.

Hồng Phương, Báo BR-VT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video