Phụ nữ ở Tam Nông không chịu nghèo

27/01/2010
Những năm gần đây, hoạt động dạy nghề, tạo vốn làm ăn và giải quyết việc làm cho phụ nữ ở huyện vùng sâu Tam Nông (Đồng Tháp)đã đạt được hiệu quả khả quan.

Năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông kết hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm dạy nghề huyện và chính quyền các xã, thị trấn đã mở được 33 lớp dạy nghề cho hơn 1.040 học viên, giải quyết việc làm trong và ngoài huyện cho 1.494 lao động nữ, giới thiệu một số nữ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hội LHPN huyện Tam Nông còn hỗ trợ cho 11.043 phụ nữ vay ưu đãi tổng cộng gần 25 tỉ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi và mở rộng các ngành nghề truyền thống ở địa phương. Các mô hình hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế trong huyện đã xây dựng được 294 tổ hùn vốn, 178 tổ tiết kiệm, 30 tổ liên kết sản xuất kinh doanh, 24 tổ phụ nữ tiểu thương, 9 câu lạc bộ tiểu thương và nữ doanh nghiệp. Trong năm, qua các tổ, hội gia công nghề thêu, rua, kết hạt cườm, làm nhang, đan giỏ xách nhựa, may công nghiệp… nhiều gia đình hội viên phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định, thoát được nghèo, cải thiện đời sống và góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Chị Huỳnh Thị Mộng Cầm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Công Sính cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức được nhiều lớp, trong đó có lớp thắt võng. Hiện nay, cả xã Tân Công Sính có hơn 50 hộ hành nghề thắt võng. Vợ chồng chị Thùy Xuân ở cụm dân cư ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính nhờ học được nghề thắt võng, gia đình chị đã có được việc làm ổn định để tăng thêm nguồn thu nhập. Chị Xuân tâm sự: “Lúc chưa có việc làm cuộc sống rất bấp bênh. Hội LHPN xã mở lớp dạy nghề đan võng, tôi theo học. Lúc đầu làm cũng khó khăn tại vì tay nghề chưa rành. Nay đã quen tay rồi, làm 1 ngày rưỡi đến 2 ngày là xong một cái, bán cũng kiếm được 50.000đ/chiếc. Làm nghề này vừa coi được nhà, kết hợp làm những việc lặt vặt trong nhà rất tiện…”.

 Hội LHPN các xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim cũng đã mở được nhiều lớp dạy nghề: Thêu rua, đan giỏ xách nhựa, kết hạt cườm, đan thảm gối xuất khẩu bằng cọng lục bình khô... Qua bàn tay khéo léo của phụ nữ đã cho ra nhiều sản phẩm gối, thảm, lọ hoa đẹp mắt… Từ nghề đan sản phẩm lục bình còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, theo đó có nhiều hộ nghèo sử dụng xuồng đi cắt lục bình để bán. Chị Nguyễn Thị Giang ở xã Phú Hiệp chuyên sống bằng nghề cắt và phơi lục bình cho biết: Hai mẹ con chị cắt một ngày từ 200 - 300kg lục bình (giá bán 300đồng/kg lục bình tươi và từ 5.000 - 7.000đ/kg khô). Thu nhập bình quân của hai mẹ con được bảy, tám chục nghìn đồng mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông  cho biết, Hội phụ nữ dành khoản kinh phí để đào tạo nghề tại chỗ và ráng lo cho chị em có vốn làm ăn bằng chính nghề đã học được để chị em có thể phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống… Từ đó, mới thu hút thật nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội. Nhìn chung, hoạt động dạy nghề là đòn bẩy thúc đẩy các phong trào của Hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video