Phụ nữ tham gia đào tạo nghề

06/06/2013
Thời gian qua, Hội LHPN Thừa Thiên Huế có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ trên địa bàn toàn tỉnh.

Ổn định cuộc sống nhờ học nghề

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, xã Quảng Thành (Quảng Điền) từ lâu thích mở quán ăn, nhưng không tự tin vào tay nghề của mình. Khi được Hội Phụ nữ xã giới thiệu về lớp dạy nấu ăn của Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội LHPN tỉnh, chị đã đăng ký theo học. Chị được các nghệ nhân nổi tiếng dạy kỹ thuật chế biến các món ăn, trình bày món ăn sao cho đẹp. Nhờ kiến thức được học cộng với tính chịu khó tự tìm tòi học hỏi thêm, chị Trang đã mở được quán ăn như mình mong muốn, với nhiều món ăn hấp dẫn.

Hiện, chị đã tổ chức được các bữa tiệc tổng kết hay liên hoan do các cơ quan, đơn vị đặt. Không chỉ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình chị còn tạo việc làm cho 2 lao động trong xóm khi có khách đông. Chị Trang tâm sự: “Nếu không học nghề mình sẽ không biết được các bước cơ bản trong chế biến món ăn ngon, không biết cách tỉa rau, củ quả thành nhiều loại hoa khác nhau để trang trí món ăn cho đẹp, rồi trên cơ sở đó mình sẽ sáng tạo thêm những món ăn cho hợp với khẩu vị của nhiều thực khách, hay chế biến những món ăn lạ dựa vào những đặc sản vốn có của địa phương”.

Cũng nhờ học nghề, chị Nguyễn Thị Loan, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy đã có cuộc sống ổn định, với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng tại Công ty CP Dệt may Huế. Loan nhớ lại, học xong lớp 12, không thi đậu đại học định theo bạn bè vào nam làm thuê, nhưng có dì làm công tác phụ nữ giới thiệu lớp học may công nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội LHPN tỉnh, Loan đăng ký đi học. Sau khóa học Loan vào làm việc ở Công ty CP Dệt may Huế. Loan phấn khởi: “Tụi em làm ở đây ngoài lương thì mọi quyền lợi của người lao động như bảo hiểm, công đoàn, đoàn thể đều được hưởng và tham gia đầy đủ. So với một số bạn học đại học ra trường chưa xin được việc làm, em thấy mình đã lựa chọn đúng”.

Đối với các chị em phụ nữ lao động ở nông thôn, khi cơ giới hóa được đưa vào áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian nông nhàn cứ thế nhiều hơn. Để chị em không phải xa gia đình mà vẫn có việc làm thêm, nâng cao thu nhập hội đã tư vấn để các chị tham gia các lớp học làm những sản phẩm của nghề truyền thống phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Hiện nay, khá nhiều chị em gắn bó với nghề truyền thống như nón lá Mỹ Lam, đan lát Bao La, nghề thêu Thuận Lộc, nghề gốm Phước Tích... Nhờ đó, nhiều chị có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình. Chị Văn Thị Lời, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Phú, Quảng Điền cho biết: “Nghề đan lát phù hợp với phụ nữ vì nó nhẹ nhàng, lại có thể nhận hàng về nhà làm, nên vừa làm việc nhà vừa tranh thủ lúc rảnh để đan. Nhờ nó mà nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn có thêm thu nhập để trang trải việc học hành cho con”.

Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu

Trong 3 năm thực hiện Đề án 1956, Hội LHPN Thừa Thiên Huế đã trực tiếp và phối hợp giới thiệu đào tạo được 2.804 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Những ngành nghề đào tạo gồm: Kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp và may dân dụng, trang điểm thẩm mỹ, mây tre đan, chế biến các loại mắm… và đa số lao động sau khi học nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định. Bắt đầu từ năm 2013, Hội LHPN tỉnh được đầu tư triển khai thêm Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”.

Để thêm nhiều chị em được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập qua kênh phụ nữ, bà Phan Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN Thừa Thiên Huế cho biết: Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ; tăng cường sự tham gia của các cấp hội cơ sở trong việc nắm bắt kịp thời các nhu cầu học nghề và việc làm của chị em; mở rộng đào tạo các ngành nghề mới vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động vừa phù hợp thế mạnh riêng của lao động nữ, như: giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ….; tổ chức đào tạo nghề lưu động ở các vùng sâu, vùng xa để những chị em không có điều kiện về trung tâm vẫn được học nghề. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường liên kết với các đơn vị có nhu cầu tuyến lao động, có mức lương, chế độ ưu đãi phù hợp để giới thiệu việc làm cho các học viên.

Theo Baothuathienhue.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video