Phú Thọ: Đào tạo nghề cho nữ lao động

05/11/2011
Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nữ lao động đang là vấn đề cần được quan tâm nhằm đảm bảo quyền lợi được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Trong những năm qua, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ - Nông lâm nghiệp đã tạo điều kiện để nữ lao động tỉnh nhà tiếp cận nhiều hơn với những ngành nghề mới. Chiếm tỷ trọng tới 55% tổng số lao động toàn tỉnh, chị em đã đóng vai trò chủ lực ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, trong đó có nhiều chương trình trọng điểm của tỉnh. Điều đó đã khẳng định vai trò và sự đóng góp đáng kể của phụ nữ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước, phụ nữ vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong lao động sản xuất, học nghề và tìm việc làm.  Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nữ lao động đang là vấn đề cần được quan tâm nhằm đảm bảo quyền lợi được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ. 

Chương trình phối hợp hoạt động dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã được triển khai rộng khắp đến các cơ quan, đơn vị liên quan, các huyện, thành, thị và các cấp hội cơ sở trong toàn tỉnh. Hàng năm hai ngành phối hợp chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề trong cán bộ, hội viên phụ nữ, từ đó tổ chức tốt các hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho chị em. Ngoài ra liên kết với các đơn vị, các tổ chức trong và ngoài tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp cho lao động nữ, trong đó có phụ nữ nghèo và con em các gia đình chính sách. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, qua chương trình phối hợp đào tạo đã có 9.274 lượt hội viên phụ nữ được tham gia vào các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm, kỹ thuật làm mạ khay, gieo sạ bằng máy, quy trình trồng đu đủ, chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgrap, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tạo việc làm tại chỗ tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ nông thôn. Từ năm 2006-2010, chương trình đào tạo nghề của Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề  thường xuyên, dạy nghề sơ cấp cho 2.982 học viên là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo với các nghề: May công nghiệp; thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản thực phẩm; trồng trọt, làm vườn; tin học văn phòng; trồng rau theo quy trình an toàn; chăn nuôi, thú y; nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt; dệt thổ cẩm; đan lát truyền thống; trồng dâu nuôi tằm…

Năm 2010, lao động nữ tham gia học nghề chiếm 33,72%; riêng sơ cấp nghề lao động nữ chiếm tới gần 50% đưa số lao động nữ được đào tạo nghề lên đến 18.000 lượt người. Các khóa đào tạo từ ngắn hạn đến trung cấp đã giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, tay nghề cơ bản cho lao động nữ. Được đào tạo kỹ về lý thuyết kết hợp với thực hành, tham quan học tập kinh nghiệm thực tế, 100% học viên sau khoá học đều tiếp thu được các kiến thức cơ bản đạt kết quả tốt và có khả năng vận dụng vào thực tế công việc một cách thành thạo. Kết thúc khoá học các học viên đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ, được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, tự tổ chức chăn nuôi, sản xuất, làm dịch vụ ngay tại địa phương gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Kết hợp với công tác đào tạo dạy nghề, các cấp hội đã tích cực phối hợp với các công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhất là các Công ty May xuất khẩu, các Khu công nghiệp tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ vào làm việc tại các Công ty. Trong những năm gần đây, gắn với tình hình thực  tế tại địa phương và các   chủ trương, chính sách của nhà nước về đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ đã tổ chức đào tạo các nghề phù hợp với  tình hình thực tế tại địa phương. Các học viên sau khi học nghề đều có thể tự sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương và gia đình. Một số các sản phẩm sản xuất ra như các sản phẩm dệt thổ cẩm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm rau sạch … đều đã trở thành hàng hoá, được các Công ty trong và ngoài tỉnh thu mua, góp  phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nông thôn.

Theo baophutho

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video