Pơthi Shakơrtinh – Gánh nặng của phụ nữ Kơ Ho và Chu Ru khi người thân qua đời

28/03/2008
Ông Rôđa Tê, thành viên của Hội đồng nhân sĩ trí thức trong cộng đồng thiểu số tại Đơn Dương, người có uy tín nhất tại M'Răng kể rằng, em gái của ông là chị Ya Nhai sống ở buôn M'Lọn thuộc thị trấn Thạnh Mỹ đã phải mổ một lần 8 con trâu (khoảng 40 triệu đồng) để tổ chức Pơthi Shakơrtinh cho 8 thế hệ từ đời cố ngoại để lại.

Pơthi Shakơrtinh - một tập tục ứng xử với người chết của đồng bào Kơ Ho và Chu Ru, có nghĩa là "xây mộ" và "ăn xương" hay là "trả nợ xương cốt". Đó là hủ tục hay là mỹ tục?

Trước câu hỏi của chúng tôi, già làng Drong Blum (xã Lạc Xuân, Đơn Dương, Lâm Đồng) cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu nói: "Cau chơt la jơh" (nghĩa tử là nghĩa tận) khi chúng tôi trò chuyện cùng già. Chúng tôi hiểu rằng, người có uy tín nhất buôn La Bouye muốn khẳng định, cần giữ nguyên tục lễ Pơthi Shakơrtinh như ông bà ngày xưa truyền  lại, nhưng rất tiếc là, tục lệ này hiện đang đè nặng lên vai một số phụ nữ.

Xây mộ tốn hơn xây nhà

Trưa đứng bóng, chị Nai Thu dẫn chúng tôi lên thăm nghĩa địa của buôn La Bouye mà tiếng Kơ Ho gọi là kut (mộ). Kut nằm trên một ngọn đồi thấp, có hàng trăm ngôi mộ và tất cả đều đã được xây cất khang trang, khiến chúng tôi thực sự bất ngờ. Chị Nai Thu cho biết: Cuộc sống bà con dân tộc vẫn còn nhiều gian khó, nhưng theo tục lệ Pơthi Shakơrtinh vẫn phải cố gắng xây mộ người quá cố cho khang trang.

Rồi chị kể, cho đến nay chị đã đứng ra cáng đáng việc xây mộ và trả nợ xương cốt cho gần 10 người đã mất trong dòng họ. Gần đây nhất, chị vừa mới làm Pơthi Shakơrtinh cho ông cậu, người anh ruột của mẹ. Ông cậu Touwetter K'Nher mất từ năm 1994, ông cũng có một người con trai và một người con gái, nhưng theo tập tục: con trai không có trách nhiệm xây mộ cho bố, còn người con gái của ông tên là Ma Xuyên thì khó khăn quá không thể lo được.

Nai Thu là cháu gái, người có vai trò chính trong một dòng họ vì vậy phải đứng ra cáng đáng. Lễ Pơthi Shakơrtinh của ông Touwetter K'Nher mời hơn 300 khách đến dự tiệc rượu, xây mộ hết 1 triệu đồng nhưng chi phí đãi tiệc tốn hơn 10 triệu...

Trên kut của buôn La Bouye, chúng tôi đã gặp mộ phần của ông Tou Prong Hiou, một trong những người đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ Đông Dương thời Pháp, bạn đồng môn với bác sĩ người Ê Đê Y Ngông Niekđăm từng là Chủ tịch Việt Minh quận Dran... Sau khi ông mất, năm 1993, những người con của ông đã xây cất cho người cha đáng kính của mình một mộ phần với thời giá lúc đó lên tới 14 triệu đồng. Đó là chưa kể những ngày đãi tiệc “trả nợ xương cốt” với hàng trăm khách mời cho “xứng tầm” tên tuổi.

Thế nhưng, khách quan mà nói, trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, không có nhiều người có của nả như nhà chị Nai Thu và thực sự giàu có như con cái Tou Prong Hiou mà tục lệ quy định về Pơthi Shakơrtinh thì không có một biệt lệ nào cả.

Chị Ka Chuông, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn M'Răng, xã Lạc Lâm đưa mắt ái ngại nhìn chồng rồi dè dặt tâm sự với chúng tôi: “Người vợ mất chồng đã khổ tứ bề. Thế nhưng, điều họ lo hơn sau khi chồng mất chính là thực hiện Pơthi Shakơrtinh. Không có tiền cũng phải đi vay, đi mượn mà làm. Nếu chưa làm xong nghĩa vụ này thì bị nhà chồng liên tục nhắc nhở, thậm chí còn dọa nạt bắt phải làm cho bằng được”.

Để minh chứng cho những điều vừa nói, Ka Chuông dẫn chúng tôi đến nhà chị Ka Thiu. Trong căn nhà lá tồi tàn, Ka Thiu nuốt nước mắt kể: Chồng chị không may bị chết từ năm 1996, để lại cho chị một nách 8 đứa con thơ dại. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thế nhưng phía bên nội vẫn luôn tìm cách bóng gió nhắc nhở chị phải xây mộ cho chồng và “trả nợ xương cốt” cho gia đình họ. Chưa thể khắc phục được hoàn cảnh khó khăn, mẹ con chị Ka Thiu chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Cũng tại buôn M'Răng, chị Ka Dều có chồng là K'Bá mất từ năm 1998, đến năm 2003, 10 mẹ con mới chắt bóp và vay mượn đủ tiền để mua trâu xây mộ cho chồng, cho cha. Ông Rôđa Tê, thành viên của Hội đồng nhân sĩ trí thức trong cộng đồng thiểu số tại Đơn Dương, người có uy tín nhất tại  M'Răng kể rằng, em gái của ông là chị Ya Nhai sống ở buôn M'Lọn thuộc thị trấn Thạnh Mỹ đã phải mổ một lần 8 con trâu (khoảng 40 triệu đồng) để tổ chức Pơthi Shakơrtinh cho 8 thế hệ từ đời cố ngoại để lại. Anh Touneh Ket ở buôn La Bouye cũng cho chúng tôi biết, vợ anh vừa làm Pơthi Shakơrtinh hồi tháng 3 năm nay cho ông cố ngoại đã mất hơn 200 năm...

Theo Uông Thái Biểu (CAND)

TÂM ĐIỂM

Video