Quốc hội thảo luận Dự án luật bình đẳng giới

18/08/2006
Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và có nên đưa tỷ lệ cứng nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, tham gia quản lý lãnh đạo là hai vấn đề được tranh luận nhiều nhất tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 17/8/2006.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ 55 như hiện nay không còn phù hợp. Bà Minh nói: “Đối với những lao động trực tiếp, nặng nhọc cảm thấy không còn đủ sức khoẻ có thể đề nghị được nghỉ sớm, nhưng đối với những nhà khoa học (nữ) mặc dù đã qua tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn còn sức khoẻ, muốn tiếp tục cống hiến thì tại sao chúng ta lại không chấp nhận?”. Tiếp theo ý kiến này, đại biểu Lê Thị Nga đề xuất: “Theo tôi, Ban soạn thảo nên có một cuộc điều tra xã hội học để biết được nguyện vọng của nữ giới trong từng ngành nghề lao động, chứ quy định như hiện nay, tôi cảm giác đã bắt đầu lạc hậu. Xu thế hiện nay là nhiều nước đang điều chỉnh lại độ tuổi về hưu của lao động nữ theo hướng kéo dài thêm. Không chỉ ở những nước phát triển mà ngay cả một số nước châu Phi, châu Á cũng đang làm như vậy.” Đại biểu Trần Hồng Việt cũng cho rằng, vấn đề này nên để chính phủ quy định là phù hợp, bởi việc này cần được tính toán khoa học trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nghỉ hưu ở tuổi 55 nhưng “lương của lao động nữ luôn thấp hơn hai bậc so với lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60, đó là một sự thiệt thòi...”. Đại biểu Quốc hội (ĐB QH) Lê Huy Luyện (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng đó là sự thiếu bình đẳng giữa nam và nữ. Đại biểu Lê Huy Luyện đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu lại thang bậc lương sao cho lao động nam và lao động nữ “khi nghỉ hưu đều có bậc lương như nhau”, có thể bằng một số biện pháp cụ thể như “rút ngắn thời gian nâng lương đối với lao động nữ”.


Về vấn đề nữ tham gia ĐBQH, HĐND, nhiều ý kiến không đồng tình với phương án 2 Dự thảo Luật đưa ra là: Quy định tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH, HĐND, tham gia quản lý lãnh đạo. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng lập luận: Nếu quy định như vậy trong Luật thì bắt buộc phải thực hiện, trong khi những đại biểu nữ này nếu không đủ tiêu chuẩn, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của cán bộ lãnh đạo. Các đại biểu: Huỳnh Thành Lập, TP. Hồ Chí Minh; Lê Huy Luyện, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ngô Thị Minh, tỉnh Quảng Ninh không nhất trí với việc quy định cụ thể tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH, HĐND và tham gia lãnh đạo ở các cơ quan, bởi vì khi bầu cử không đạt được tỷ lệ này thì có công nhận kết quả cuộc bầu cử đó hay không. Ý kiến của các đại biểu đề nghị chỉ nên quy định có tính nguyên tắc về tỷ lệ nam nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và giới thiệu ứng cử ĐBQH, HĐND.

Trung tâm Thông tin tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video