Sản xuất vaccine cúm A/H5N1, vạn sự khởi đầu nan

09/01/2006
Việt Nam bước đầu sản xuất thành công vaccine phòng cúm A/H5N1. Vaccine này đã được thử nghiệm trên gà, chuột và khỉ đem lại kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cơ quan chức năng cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người... Những thông tin này là rất quý không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho toàn thế giới trong cuộc chiến với cúm gia cầm H5N1.

Ðể có kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của nhóm nghiên cứu, đồng thời cũng khẳng định khả năng và vị thế của Việt Nam nói chung và khoa học sản xuất vaccine nói riêng.

 

Muốn sản xuất được bất luận loại vaccine nào thì nhà sản xuất cần phải có kháng nguyên có khả năng tạo được đáp ứng miễn dịch bảo vệ (kháng nguyên đó có thể là virus, vi khuẩn, độc tố...). Ðó chính là điều kiện tiên quyết để bắt đầu một cuộc nghiên cứu phát triển hoặc sản xuất vaccine sau khi một ý tưởng được hình thành và nhận được sự đồng tình thực hiện ý tưởng đó. Với vaccine phòng cúm A/H5N1 cũng vậy. Ðể biết rõ được nguồn gốc chủng virus dùng cho sản xuất vaccine cúm A/H5N1 hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cung cấp cho các nhà sản xuất, chúng ta hãy quay lại những ngày đầu năm 2004 khi dịch cúm H5N1 mới xuất hiện ở nước ta, sau khi đã xuất hiện ở một vài nước châu Á khác như Hàn Quốc, Thái-lan, Nhật Bản,... với những người bệnh đầu tiên nhập viện có các triệu chứng lâm sàng rất nặng của một nhiễm đường hô hấp cấp tính chưa rõ căn nguyên, nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và đã dẫn đến tử vong với tỷ lệ khá cao.

 

Là một Viện đầu ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư được Bộ Y tế giao nhiệm vụ kiểm soát, giám sát, phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu phát triển các vaccine dự phòng. Các bác sĩ và cán bộ nhân viên của Viện nhất là hai khoa Dịch tễ học và Virus học đã không ngại khó khăn, nguy hiểm cùng với các cán bộ, bác sĩ tuyến cơ sở thuộc các bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, nơi dịch đang xảy ra và có người bệnh nhập viện đã đi xuống tận ổ dịch lấy mẫu bệnh phẩm để phân lập virus nhằm phát hiện căn nguyên gây bệnh.

 

Trong những ngày giáp Tết Ất Dậu họ đã trực chống dịch 24/24 giờ, khi mọi nhà đang vui vẻ chờ đón một mùa Xuân mới, một năm mới với nhiều hy vọng và thử thách, mấy ai biết được những công việc thầm lặng của những người chiến sĩ áo trắng này. Và rồi công sức cùng với sự quyết tâm, kiên trì và trên hết là trách nhiệm và tình thương với dân tộc mình, đất nước mình họ đã chiến thắng: Virus cúm A/H5N1 - căn nguyên gây dịch cúm A/H5N1 ở Việt Nam - đã được phân lập và xác định.

 

Ðược tin này, WHO bày tỏ nguyện vọng muốn được Việt Nam chuyển chủng H5N1 này cho họ để tiếp tục nghiên cứu về di truyền học, sinh học phân tử cũng như phát triển một chủng virus dùng cho sản xuất vaccine phòng cúm A/H5N1 bằng công nghệ di truyền ngược. Ðược phép của Bộ Y tế, chủng H5N1 do Viện phân lập đã được chuyển cho WHO mã số A/Vietnam/1194/2004 và trên cơ sở đó một chủng virus H5N1 tái tổ hợp giảm độc lực bằng công nghệ di truyền ngược đã được điều chế sau này tại một phòng thí nghiệm chuẩn thức của WHO. Chủng này đã được WHO phân phối cho tất cả các nhà sản xuất vaccine cúm trên toàn cầu để nghiên cứu sản xuất vaccine phòng cúm H5N1 và thực tế cho đến thời điểm này, tất cả các vaccine cúm A/H5N1 đang được nghiên cứu phát triển trên toàn thế giới đều có nguồn gốc từ chủng cúm A/H5N1 do Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư phân lập. Việt Nam đã có một phần đóng góp đáng kể vào cuộc chiến phòng chống đại dịch cúm H5N1 trên toàn cầu.

 

Các nhà khoa học Việt Nam tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Tại sao chúng ta có thể phân lập được virus cúm H5N1 và cung cấp cho WHO để tạo chủng sản xuất vaccine phân phối cho toàn cầu mà bản thân chúng ta lại không tự nghiên cứu phát triển sản xuất được trong khi các nhà khoa học của Viện có đủ kinh nghiệm, năng lực và cập nhật được trình độ khoa học công nghệ của ngày hôm nay, cộng với cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có".

 

GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên - người đã làm việc nửa thế kỷ về virus học và vaccine học ở Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã không khỏi suy nghĩ trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch cúm gia cầm có thể dẫn đến một đại dịch có khả năng lây từ người sang người như cảnh báo của WHO. Giáo sư Nguyên đã đem ý tưởng của mình trình bày với lãnh đạo Bộ Y tế và nhận được sự đồng tình khích lệ.

 

Với kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, được biết GS Ô-si-hi-rô Ka-oa-ka - chuyên gia hàng đầu đang nắm giữ sở hữu trí tuệ về kỹ thuật di truyền ngược, hiện làm việc và giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp Bang Wisconsin, Hoa Kỳ (nơi mà trước đây Hô-ua Te-min đã nhận được giải thưởng Nobel về Enzim phiên mã ngược) đồng thời cũng là Giáo sư Trường đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản, GS Hoàng Thủy Nguyên đã không ngần ngại đề nghị Giáo sư Judith Ladinsky - Chủ tịch Ủy ban hợp tác khoa học Mỹ - Việt, người bạn của Việt Nam trong nhiều năm nay và cũng là giảng viên Trường đại học Wisconsin liên hệ với GS Ô.Ka-oa-ka giúp Việt Nam chủng cúm A/H5N1 tái tổ hợp giảm độc lực dùng trong sản xuất vaccine sử dụng tế bào thận khỉ tiên phát, nguồn nguyên liệu mà chúng ta có thể chủ động được.

 

GS Ô.Ka-oa-ka đã vui vẻ nhận lời đến Hà Nội ngay, đồng thời hai cán bộ khoa học trẻ của Viện đã lên đường sang Nhật Bản học công nghệ Mỹ - Nhật về di truyền học ngược, kết hợp với công nghệ Việt Nam về tái tổ hợp virus cúm H5N1 ở tế bào thận khỉ tiên phát. Sự kết hợp công nghệ này đã tạo ra sự nhân bản virus cúm thành một tỷ phiên bản đồng nhất trong 1ml (1 phần nghìn lít) nước nổi nuôi tế bào thận khỉ. Ðó chính là điều kiện tiên quyết để sản xuất bất luận loại vaccine nào, kể cả với những biến chủng của virus H5N1 trong tương lai. Công việc nghiên cứu triển khai vaccine cúm A/H5N1 được bắt đầu như vậy.

 

Hai vợ chồng giáo sư Bê-đơ-nét-ti người Italy của Viện Sinh học phân tử Giắc-cơ Mô-nô, Paris - những chuyên gia xuất sắc của thế giới về hiển vi điện tử - cũng đã tham gia cùng chúng ta trong nghiên cứu này từ những ngày đầu tiên. Những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn, cách tiếp cận công nghệ là mới ở Việt Nam và cả trên thế giới, Viện đã lựa chọn cách đi riêng của mình, đặc thù cho hoàn cảnh và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, song cũng tiếp thu kiến thức mới của thế giới và đi đúng với định hướng của quốc tế là mong muốn phát triển một công nghệ sản xuất vaccine cúm trên nuôi tế bào (có thể sử dụng các dòng tế bào động vật khác nhau sau khi đã được thẩm định và chấp thuận). Viện đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - GS Hoàng Văn Phong về một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước.

 

Một số nhà khoa học đã có những ý kiến khác nhau về cách tiếp cận công nghệ của Viện. Ðể giải quyết những băn khoăn cũng như động viên các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, một cuộc họp giữa lãnh đạo hai bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ cùng với Ban giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tế T.Ư và nhóm nghiên cứu đã được tổ chức. Kết luận tích cực của buổi làm việc đó là kiên trì để đi đến đích cuối cùng là sớm có được vaccine cúm A/H5N1 bảo đảm chất lượng phục vụ cộng đồng, góp phần ngăn chặn đại dịch cúm gia cầm ở Việt Nam.

 

Với những thành công bước đầu, chúng ta đã nhận được những lời chúc mừng của nhiều bạn bè trong nước, nước ngoài và WHO với những đánh giá tương xứng. Thành công này là sự đóng góp công sức, hợp tác và sự sáng tạo của nhiều người trong nước và nước ngoài. Các thế hệ khoa học trẻ đã làm dấy lên niềm tự hào và tự trọng trên con đường đổi mới và hội nhập.

Giáo sư NGUYỄN THU VÂN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video