Sáng những vầng trăng đơn thân

27/09/2007
“Sáng những vầng trăng” là chủ đề của cuộc gặp gỡ, giao lưu do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Nam (Hội An) tổ chức nhằm tôn vinh những người phụ nữ có chồng tham gia kháng chiến sắt son chờ chồng, thờ chồng nuôi con nên người...

Đằng sau những tấm gương thủy chung ấy là những câu chuyện cảm động, khơi gợi sự cảm thông, khâm phục về những người phụ nữ một mình “vượt biển…”.

65 tấm gương sáng tiêu biểu về lòng thủy chung của các mẹ, các chị được tuyên dương tại Liên hoan “Sáng những vầng trăng” chưa kể hết số phận, cuộc đời của gần 150 phụ nữ đơn thân ở xã vùng ven Hội An này. Có nhiều người, cả cuộc đời chưa đi hết thị xã bé nhỏ, chỉ quẩn quanh sau những rặng tre, chợ làng, bến quê,… Nhiều người trong số họ chưa được học hành, giao tiếp gì nhiều. Từ nhỏ đến lớn chỉ biết chuyện làm nông. Nhưng điểm chung của họ đều là sự vị tha, lòng hy sinh cao cả. Và với họ, dù ít học, hay được học nhiều, thì cái câu “xuất giá tòng phu- phu tử tòng tử” dường như đã ăn sâu vào tâm tưởng.


Có đến 3 “thế hệ” phụ nữ độc thân ở xã Cẩm Nam nhỏ bé này. Họ là những mẹ, những chị có chồng tham gia kháng chiến và hy sinh nhưng vẫn sắt son thờ chồng,không tái giá, một mình nuôi con. Họ là những người phụ nữ có chồng đi tập kết, thoát ly hoặc đã hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ đằng đẵng mấy mươi năm trời nhưng vẫn một lòng chờ chồng, nuôi con một mình. Trong số ấy, có người may mắn đoàn tụ với chồng, nhưng có người khi chồng trở về đã trót “đèo bồng” thêm một gia đình khác. Mỗi người một cảnh, mỗi số phận là một câu chuyện dài nhiều nỗi buồn, nhưng điểm chung là tấm lòng sắt son chung thủy, là sự hy sinh thầm lặng, là nghị lực để một mình “vượt biển” cuộc đời.


Đi gần trọn cuộc đời, bà Phạm Thị Thời (thôn Thanh Nam Đông) chưa một lần trọn vẹn hạnh phúc. Chồng đi tập kết từ năm 1954, ròng rã suốt mấy mươi năm sống giữa vòng kèm kẹp của  giặc, bà vẫn sắt son đợi chờ vì luôn tin rằng cách mạng sẽ thắng lợi, rồi chồng mình sẽ quay về. Tuổi xuân của bà cứ lùi dần phía sau- để khi chồng trở về đã là “chồng của người khác”. Khi được hỏi cảm giác của bà ra sao khi mình chờ đợi mà chồng đã có gia đình khác, bà hiền lành trả lời: “Chiến tranh mà. Trách làm răng được. Mình chờ đợi nhưng ổng không chờ được cũng là vì chiến tranh cả thôi!”.

Không riêng gì bà Thời, nhiều  phụ nữ có chồng tập kết, thoát ly rồi lập gia đình khác trong khi mình vẫn vò võ chờ đợi cũng đều trả lời nhẹ nhàng như vậy. Với họ, sự vị tha sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau đớn. Nhưng ẩn chứa đằng sau ấy là những đêm dài không ngủ, là nỗi buồn, nhưng họ chẳng trách móc, hờn giận ai, vì họ cũng biết “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Niềm an ủi lớn nhất của các mẹ là những đứa con của chồng cũng thương yêu, kính trọng họ như mẹ đẻ. Bà Thời tâm sự: “Bây giờ con ổng cũng như con tui. Tết nhất, giỗ chạp gì lớn tụi nó cũng lặn lội về với tui. Lúc tui đau ốm, tụi nó cũng chăm sóc như chăm sóc mẹ đẻ. Vậy là mãn nguyện lắm rồi”.


Đến tận bây giờ, đã hơn mấy mươi năm, nhưng bà Nguyễn Thị Xảo (thôn Nam Ngạn) vẫn nhớ như in cảm giác hụt hẫng, đau xé lòng khi nhận được tin chồng hy sinh. Khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của đời bà cũng chết theo chồng. Đau nhưng không dám lộ ra vì bốn bề tứ phía xóm làng khi ấy đều trong vòng kiềm tỏa của Mỹ - ngụy. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội mỗi khi nhìn con còn đỏ hỏn mà đã mồ côi cha. “Ở làng này chỉ sống được nghề nông. Hết tỉa bắp lại mò ốc, cào hến. Chồng hy sinh. Con còn nhỏ dại. Bom đạn chiến tranh đuổi dồn bên chân. Phải cắn răng chịu khổ để nuôi con. Lắm khi phải đổ máu mới có được bữa ăn cho con. Nhiều lúc mệt mỏi quá, lại cứ ước ao phải chi chồng mình còn sống…”- bà Xảo ngậm ngùi nhớ lại.


Không may mắn như bà Xảo là còn có con cái để chăm lo, nguôi ngoai nỗi buồn. Nhiều người phụ nữ đơn thân ở Cẩm Nam chưa một lần được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Có người, được làm mẹ, làm vợ nhưng cũng chỉ trọn vẹn một nửa. Như bà Huỳnh Thị Đông (thôn Xuyên Trung), chồng tập kết và lập gia đình khác. Con sinh ra nhưng không nuôi được vì thời chiến bom rơi đạn lạc, cuộc sống quá cơ cực. Vậy mà bà vẫn vò võ đợi chồng vì tin tưởng ông sẽ quay về. Hay như bà Huỳnh Thị Lụa (thôn Châu Trung), vừa đính hôn xong là ông tập kết. Đến bây giờ, bà vẫn chưa nhận được tin tức của ông. Nhiều người có ý dạm hỏi, không ít người khuyên bà đi lấy chồng. Vậy mà bà vẫn chờ, dù không biết ông còn sống hay đã hy sinh, hay đã có một tổ ấm khác.


Chiến tranh khốc liệt. Những số phận phụ nữ bị cuốn vào cuộc chiến ấy không một ai trách móc, oán hờn gì. Họ cam chịu và sắt son thủy chung. Điều đáng quý là họ đã vượt khó khăn để xây dựng gia đình thành đạt, con cái được nuôi dạy đàng hoàng, thành người có ích. Dẫu rằng gia đình có chông chênh vì vắng bóng đàn ông, người phụ nữ vừa đóng vai mẹ, vừa là bố. Nhắc về mẹ mình - bà Trân Thị Thu (thôn Hà Trung), anh Trần Trung Vĩnh Thiện - một doanh nhân trẻ khá thành đạt ở Hội An - không khỏi tự hào: “Mẹ tôi cũng là bố tôi. Quần quật cả thời trẻ để nuôi chúng tôi ăn học. Vất vả nhưng sẵn sàng bỏ thời gian để nghe chúng tôi tâm sự những chuyện vui buồn của tuổi mới lớn. Cơ ngơi tôi có được hôm nay là nhờ vào công sức, sự động viên của mẹ tôi”.


Chị Trương Thị Thu (thôn Thanh Nam Đông) kể về mẹ chồng của mình- bà Bùi Thị Phượng- với cả tấm lòng kính phục: “Tôi về làm dâu gần 30 năm rồi. Bố chồng đi tập kết biền biệt. Mẹ một tay vun quén gia đình, nuôi con chờ chồng. Mãi đến khi mẹ chồng tôi đã qua thời xuân sắc bố mới trở về. Về làm dâu mẹ, tôi học được rất nhiều điều về cách sống, cách cư xử với chòm xóm, họ hàng. học cách giữ trọn vẹn phận làm vợ. Thấy tộc họ, chòm xóm thương yêu, kính trọng mẹ, tôi cũng tự hào lây”.

Đằng sau những tấm gương phụ nữ thủy chung chờ chồng, thờ chồng, nuôi con thành đạt ở Cẩm Nam có nhiều câu chuyện buồn. Những nỗi buồn ấy được các mẹ, các chị giấu kín trong lòng. Bởi họ hiểu, phải trần vai gánh cả phần chồng để chăm sóc gia đình chồng, nuôi dạy con cái. Những nỗi buồn ấy, họ phải lặng giấu đi. Trong một lần về thăm Cẩm Nam, cảm kích trước những câu chuyện đời của những người phụ nữ ấy, nhà thơ Đông Trình đã viết:

Thương cây bắp bồng con đứng đợi
 Thương hàng cau mỏi cánh tay vời…

KHÁNH THỦY
Báo Quảng Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video