Sự cần thiết phải lồng ghép giới trong công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (tiếp phần V)

15/09/2010
Phần V. Vấn đề giới trong quản lý rủi ro thiên tai/thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chương này giới thiệu cách tiếp cận đánh giá rủi ro thảm hoạ, trên cơ sở đó những cán bộ làm công tác quản lý thiên tai sẽ có thể nhận diện được các vấn đề giới khi xác định tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ và nam giới trong thiên tai, khả năng khác nhau của họ trong việc phòng ngừa và ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

I. Rủi ro thảm họa

  • Hiểm họa và thảm họa không đồng nhất với nhau. Một hiểm họa không phải lúc nào cũng dẫn tới thảm họa
  • Hiểm họa chỉ trở thành thảm họa khi nó gây ra nhiều thiệt hại cho con người và môi trường: thiệt hại về nhà cửa, tài sản, mùa màng, gia súc, tính mạng mà cộng đồng bị ảnh hưởng không thể chống chọi nổi
  • Nói một cách chặt chẽ thì không có thảm họa thiên nhiên (thiên tai) mà chỉ có hiểm họa thiên nhiên
  • Hiểm họa và thảm họa có tác động và ảnh hưởng khác nhau đối với các thành viên nam, nữ thuộc các nhóm người trong cộng đồng và xã hội do họ có các điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị khác nhau, đặc biệt là do định kiến giới.
  • Thảm họa được gây ra bởi những yếu tố sau:
    • Mức độ tiếp xúc với các hiểm họa
    • Mức độ dễ bị tổn thương trước các hiểm họa
    • Khả năng giảm nhẹ các ảnh hưởng của các hiểm họa

Những yếu tố này tạo thành rủi ro thảm họa (RRTH), và được đơn giản hóa bằng phương trình

RRTH = Hiểm họa x Tình trạng dễ bị tổn thương

Khả năng

Như vậy, cả hiểm họa và tình trạng dễ bị tổn thương đều làm tăng nguy cơ một sự kiện bất thường trở thành thảm họa, ngược lại, khả năng mà các thành viên nam, nữ trong cộng đồng có được sẽ giúp họ giảm bớt được nguy cơ xảy ra thảm họa.

Để xác định được các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với BĐKH, chúng ta cần hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ và nam giới. Chúng ta có thể sử dụng khung “Tiến trình của TTDBTT” và khung phân tích giới trong quá trình đánh giá rủi ro thảm họa nhằm xác định mức độ rủi ro của một cộng đồng hay một khu vực cụ thể. (Có hướng dẫn riêng về Đánh giá TTDBTT và Khả năng có sự tham gia – PCVA).

(Tiếp: II. Tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của phụ nữ và nam giới )

Tài liệu lớp tập huấn về biến đổi khí hậu do TW Hội LHPNVN tổ chức năm 2010

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video