Tân Lạc, Hoà Bình: Ngăn chặn BLGĐ - sự vào cuộc của cả cộng đồng

02/12/2010
Vừa qua, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, người dân xã Đông Lai (huyện Tân Lạc) chứng kiến 2 vụ bạo hành dã man chồng đánh vợ, trong đó có 1 vụ nạn nhân chết tại chỗ với đứa con 5 tháng tuổi trong bụng. Bạo hành gia đình đang là thực trạng đáng báo động. Tại huyện Tân Lạc, được sự giúp đỡ của trung tâm CSAGA, các cấp hội phụ nữ, nông dân huyện đã bước đầu thành công trong ngăn chặn bạo lực gia đình nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Làm gì để chị em lên tiếng?

 

Bà  Bùi Thị Nga – Thẩm phán TAND huyện Tân Lạc cho biết: Trung tuần tháng 10, có một người phụ nữ đưa đơn ra tòa xin ly hôn chồng với lý do không hợp nhau. Theo đúng trình tự thụ lý vụ án, Tòa yêu cầu hai bên hòa giải nhưng chị một mực xin ly hôn trong khi anh chồng vẫn mong được chung sống với vợ. Biết vẫn còn uẩn khúc, khi Tòa xét hỏi một mình chị, người phụ nữ mới nức nở cho biết chị đã chịu quá nhiều đòn roi của chồng. Ngay trước ngày đưa đơn ra tòa, chị cũng vừa ở viện về vì vết dao cứa cổ phải khâu 7 mũi do chính chồng gây ra chỉ vì chị không nấu cơm theo đúng ý. Khi nói ra chuyện này, chị chỉ mong tòa cho chị được ly hôn mà không cần đả động đến nguyên nhân chính, vì như thế chắc chắn chồng chị sẽ không chấp nhận. Tòa thuận cho vợ chồng chị ly hôn với lý do đích thực mà chị đã nêu ra, anh công nhận tất cả nhưng nhất quyết không thuận tình ly hôn, cứ khi tòa triệu tập anh lại vắng mặt. Hàng ngày, chị vẫn phải chịu những đòn roi của anh. Mới đây, khi các con phát hiện chồng chị rắc một thứ bột lạ vào bát cơm của chị, chị đã buộc phải trốn nhà lánh đi. Cũng giống như trường hợp của người phụ nữ này, nhiều chị em khác khi tìm đến tòa án xin ly hôn, lý do nhiều nhất là chồng đánh đập, rượu chè nhưng tất cả đều được “ngụy trang” bằng “tính tình không hợp”. Thực tế còn nhiều người phụ nữ vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau mà không thể tìm đến giải pháp ly hôn. Làm gì để chị em phụ nữ lên tiếng? Đó là chủ đề mà CLB phòng- chống bạo lực gia đình xã Phong Phú (được thành lập điểm theo dự án của CSAGA tại tỉnh Hòa Bình) thường thảo luận. Chị Bùi Thị Ban, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB chỉ có 30 thành viên, những ngày đầu để vận động chị em tham gia quả không đơn giản bởi tâm lý chị em vẫn luôn nghĩ rằng, chuyện chồng vợ là chuyện riêng của mỗi gia đình, không nên “vạch áo cho người xem lưng” nhưng rồi bằng nhiều biện pháp vận động, chị em cũng mạnh dạn dần lên. “Không thể nói thành lời, vậy hãy viết ra giấy”, đó là bài học đầu tiên mà chị em ở CLB được thực hiện. Tất cả những hoàn cảnh éo le được hiện lên, chị em cũng thấy mình thanh thản hơn. Chị Bùi Thị ..., hội viên CLB tâm sự: Khi tham gia dự án này, tôi nhận thức được đúng những gì mà tôi đang phải chịu đựng. Trước đây, chịu những trận đánh của chồng, tôi chỉ nghĩ đó là chuyện gia đình ai cũng có, mình không may thì gặp phải người chồng vũ phu, cắn răng mà chịu đựng để giữ gìn hạnh phúc, nhưng bây giờ tôi biết đích xác đó là bạo hành gia đình.

Kêu gọi mọi người cùng vào cuộc.

 

Không dừng lại với việc tuyên truyền, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chị em, 8 CLB điểm của hội phụ nữ, nông dân các xã Phong Phú, Thanh Hối, Tử Nê, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc còn là một diễn đàn chung để chị em phụ nữ cùng tìm cách tự chống bạo lực gia đình trong chính ngôi nhà của mình. Hàng tháng 1 lần, chị em đến đây, tâm sự những tình huống trực tiếp mà mình gặp phải rồi cùng lắng nghe đóng góp của các thành viên khác. Chị Bùi Thị Hinh, Chủ nhiệm CLB của Hội Nông dân xã Tử Nê cho biết: Song song với thành lập CLB, xã thành lập ban chỉ đạo phòng- chống BLGĐ để kêu gọi sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể trong xã. Chính cách thức này đã tạo sự cảm thông, hiểu biết chung để tuyên truyền, vận động tại cộng đồng nhằm chia sẻ với chị em. Khi được chia sẻ, mọi chuyện dễ dàng hơn. Nhiều tình huống khi được chia sẻ, các thành viên đã thực sự được giúp đỡ. Mới đây nhất, tại xã Phong Phú, một người phụ nữ bị chồng lột hết quần áo đuổi đánh ra ngoài đường. Giận chồng chị bỏ đi một ngày, khi trở về, anh chồng không nói chuyện, cấm chị vào buồng ngủ và luôn mồn xỉ nhục chị. Chị đã nhiều lần xuống nước làm lành với chồng nhưng anh không chịu. Chị mạnh dạn đến CLB chia sẻ và nhờ giúp đỡ, các ban, ngành vào cuộc, anh chồng đã hiểu ra, giờ gia đình chị đã trở lại cuộc sống bình thường, anh cũng đã bớt rượu chè hơn trước.  

 

Thực tế hiện nay, BLGĐ đang ngày càng gia tăng và đó không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình. Từ hiệu quả bước đầu ngăn chặn phòng- chống bạo lực gia đình ở Tân Lạc cho thấy, khi cấp ủy Đảng, chính quyền cùng vào cuộc, nhận thức, hiểu biết của người dân sẽ thực sự nâng lên. Đây cũng là mấu chốt thực sự để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình.

Theo baohoabinh online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video