Thêm việc làm cho hội viên từ tranh thêu

25/02/2013
Tranh thêu chữ thập không chỉ giúp hội viên phụ nữ (HV PN) P.Bình An, Q.2, TP.HCM thỏa niềm đam mê thêu thùa, giải stress mà còn có thêm thu nhập. Tổ thêu tranh chữ thập do Hội PN phường thành lập gần một năm qua thu hút nhiều HV tham gia.

Văn phòng Hội PN phường vừa là phòng trưng bày các tác phẩm tranh thêu, vừa là lớp học thêu tranh của HV PN. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các HV PN đem tác phẩm tranh thêu đến Phường Hội để trao đổi kinh nghiệm. Một chị “bật mí” vừa tìm được mẫu tranh hình Bác Hồ, có người khoe vừa có thêm mối đặt hàng và giới thiệu mối cho các chị trong tổ…

“Lần đầu thấy tranh thêu chữ thập, tôi đã có ý định nhân rộng loại hình này đến chị em HV PN. Dành thời gian tìm hiểu nhu cầu của HV PN trên địa bàn, thật bất ngờ khi có nhiều chị đề nghị Hội PN thành lập tổ thêu tranh. Như được tiếp thêm nghị lực, thế là chúng tôi quyết định thành lập mô hình tổ thêu tranh chữ thập với 12 thành viên ban đầu” - chị Phạm Thị Ngọc Dưỡng, Chủ tịch Hội PN P.Bình An nhớ lại.

Khoe những bông hoa mẫu đơn rực rỡ, chị Nguyễn Thị Bình (tiểu thương chợ Bình Khánh, Q.2) có thâm niên hai năm trong nghề phấn khởi: “Những lúc rảnh rỗi, mình thêu tranh cho vui, nhưng từ khi tham gia tổ tranh của Hội, Hội đã đem tranh của các chị em đi giới thiệu và có nhiều nơi đặt mua. Có thêm thu nhập từ nghề mới nên mình vui lắm”.

Thêu tranh chữ thập không đòi hỏi nhiều về sự khéo léo hay quá cầu kỳ như những sản phẩm thêu tay truyền thống khác, có thể thêu ở mọi nơi hoặc bất cứ khi nào rảnh rỗi. Mỗi sản phẩm tranh thêu mang một nét mới, đặc trưng. Chị em thêu tranh chữ thập có thể dùng tác phẩm để trang trí cho ngôi nhà của mình, dành tặng bạn bè, người thân.

Chị Nguyễn Thị Huệ, thành viên của tổ thêu tranh chữ thập cho biết: tranh thêu đơn giản nên chỉ cần hướng dẫn sơ qua là ai cũng có thể thêu được những bức tranh lớn. Người thêu chỉ thêu hình chữ X trên một loại vải được sản xuất riêng. Dụng cụ làm nghề gồm vải, kim, chỉ và bảng hướng dẫn chi tiết…, ai cũng có thể “múa kim”.

Nhưng để có thể biến những kiến thức đơn giản này thành một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi người thêu phải có tính tỉ mỉ, khéo tay và phải có niềm đam mê. Sản phẩm có thể làm thiệp, móc khóa, đồng hồ, áo gối, khăn trải bàn cho đến những bức tranh trang trí trong nhà, đặc biệt là tranh treo tường, trang nhã và độc đáo.

Theo các HV, thời gian hoàn thành sản phẩm có thể từ vài tuần đến vài tháng; giá tranh từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng/sản phẩm tùy theo lớn hay nhỏ. Tranh có thể được trưng bày tại Phường Hội; được triển lãm, giới thiệu trong những dịp lễ, tết. Hầu hết các thành viên trong tổ đều có nhiều tác phẩm được đặt mua. Hiện, số lượng thành viên của tổ đã tăng lên 25 người.

Chị Trương Thị Hạnh (55 tuổi) cho biết: “Tôi lớn tuổi nên muốn tìm việc làm thêm tại nhà. Nhờ sinh hoạt Hội, tôi được giới thiệu vào tổ thêu tranh. Thấy nghề dễ làm, tôi giới thiệu cho các chị em trong xóm, những người muốn có việc làm. Nhờ ngồi lại với nhau, tôi có dịp hiểu hoàn cảnh chị em hơn; chia sẻ với họ những kế hoạch, chủ trương của Hội, cùng họ tham gia các chương trình từ thiện, giúp đỡ người già, trẻ mồ côi do Hội tổ chức”.

Chị Phạm Thị Ngọc Dưỡng cho biết: “Chúng tôi đã dần định hướng cho HV cách chọn mẫu mã, kích cỡ phù hợp với thị trường. Nhiều HV PN đã trích tiền bán tranh để tặng quà Tết cho người nghèo, trẻ em khuyết tật. Mong muốn của tổ là có được đầu ra ổn định, giúp chị em HV PN có thêm việc làm, đặc biệt là PN lớn tuổi”.

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video