Thư của các tổ chức trong mạng lưới HAI gửi Giám đốc Điều hành Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc

28/12/2010
Tháng 10/2010 vừa qua, Ủy ban CEDAW đã thông qua một khuyến nghị chung về quyền của phụ nữ cao tuổi – khuyến nghị chung số 27. Đây là một bước quan trọng nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ cao tuổi và Cơ quan Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (LHQ) có trách nhiệm giám sát việc thực hiện khuyến nghị này của các chính phủ.

  

Ở cương vị mới là Giám đốc Điều hành Cơ quan Phụ nữ của LHQ và Phó Tổng Thư ký LHQ, Bà Mi-chen Ba-chê-lê, nguyên Tổng thống Chi lê, cho biết bà muốn có sự tham gia của các tổ chức dân sự trong quá trình này. Cuối tháng 11 năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Lãnh đạo của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HAI), Hội LHPN VN đã tham gia cùng các thành viên trong Mạng lưới HAI trên toàn cầu ký một lá thư chung gửi bà Mi-chen Ba-chê-lê. Với tư cách là thành viên Ban Lãnh đạo của HAI, đại diện của Hội đã tham gia xây dựng ý tưởng và nội dung lá thư này. Dưới đây là bản dịch toàn văn lá thư đó.

 

Kính gửi:Bà Mi-Chen Ba-chê-lê

Giám đốc Điều hành Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc

16/11/2010

 

Kính gửi bà Ba-chê-lê,

 

Trước hết, chúng tôi xin được chúc mừng bà nhân dịp bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành Cơ quan Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Phó Tổng Thư ký LHQ, xin chúc bà gặt hái được nhiều thành công trong cương vị mới này.

 

Chúng tôi đánh giá cao lời hứa của bà “Cơ quan Phụ nữ của LHQ sẽ tăng cường đáng kể các nỗ lực của LHQ nhằm mở rộng các cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái và nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử trên thế giới này”.

 

Chúng tôi tin rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu Cơ quan Phụ nữ của LHQ giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới mà phụ nữ đang gặp phải trong suốt cuộc đời họ, trong đó có những phân biệt đối xử ở nhiều hình thức khác nhau mà phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt.

 

Phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi đều rất ít có địa vị, quyền lực hoặc được tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực như nam giới và trẻ em trai. Phụ nữ cao tuổi thường trải qua những phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong cuộc đời mình mà tác động của chúng theo họ đến những năm tháng tuổi già và ngày càng lớn hơn do sự phân biệt đối xử về tuổi tác.

 

Điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

 

15 năm trước, Tuyên bố Bắc Kinh đã ghi nhận sự phân biệt đối xử về tuổi tác là một trong những yếu tố góp phần tạo nên những rào cản đối với tăng quyền năng và tiến bộ của phụ nữ. Ngoài ra, Kế hoạch Hành động Quốc tế Ma- đờ-rít về Người cao tuổi (2002) nhấn mạnh rằng việc ghi nhận các tác động khác nhau của tuổi già đối với phụ nữ và nam giới là một phần không thể thiếu nhằm đảm bảo bình đẳng giới một cách đầy đủ. Kế hoạch Hành động cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề của phụ nữ cao tuổi cần phải là một ưu tiên trong các chính sách (đoạn 8).

 

Hơn nữa, LHQ cũng đã xác định rằng các vấn đề về người cao tuổi là một trong ba thách thức nóng bỏng nhất của thế kỷ này. Do vấn đề nữ hóa dân số già, nên có nhiều nữ cao tuổi hơn nam cao tuổi. Do vậy, điều quan trọng là cần phải chú ý đến các vấn đề của phụ nữ cao tuổi.

 

Khuyến nghị chung số 27 về phụ nữ cao tuổi và bảo vệ nhân quyền của phụ nữ cao tuổi mới được thông qua gần đây của Công ước Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW) đã ghi nhận sự phân biệt đối xử này và nêu lên các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đối với phụ nữ cao tuổi trong khuôn khổ CEDAW.

 

Tuy nhiên, mặc dù đã có các cam kết chính trị và các nghĩa vụ pháp lý như đã nêu trên, phụ nữ cao tuổi vẫn thường không được tính đến hoặc chú ý đến trong các chính sách nhằm giải quyết bất bình đẳng giới cũng như trong các chương trình và ngân sách nhằm thực hiện những chính sách đó.

 

Ví dụ, đánh giá năm nay về các câu trả lời của 121 chính phủ khi trả lời bảng hỏi của Vụ vì sự Tiến bộ của Phụ nữ về việc thực hiện Cương lĩnh Bắc Kinh cho thấy sự ghi nhận cũng như chú ý đến phụ nữ cao tuổi còn chưa đầy đủ và chưa nhất quán.

 

Các dữ liệu được phân tách theo độ tuổi và giới tính còn rất hiếm và các quá trình chính sách phát triển ở mức cao hơn, ví dụ như các Mục tiêu Thiên niên Kỷ, đã thất bại trong việc tính đến phụ nữ cao tuổi. Bởi vậy, còn rất nhiều việc phải làm.

 

Với tư cách là tiếng nói và tổ chức đi đầu về bình đẳng giới, cơ quan Phụ nữ của LHQ là một vị trí đặc biệt để tiếp tục bảo vệ quyền của phụ nữ cao tuổi bằng cách đảm bảo để phụ nữ cao tuổi được tính đến trong các tiêu chuẩn đặt ra của các cơ quan liên chính phủ và trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn đó của các quốc gia thành viên.

 

Điều này yêu cầu phải có các nguồn lực riêng thì mới có thể thực hiện được. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị bà cân nhắc những vấn đề sau đây:

 

·Đảm bảo rằng các tổ chức xã hội dân sự làm việc về vấn đề phụ nữ và người cao tuổi có tiếng nói trong quá trình đưa ra các ưu tiên của Cơ quan Phụ nữ của LHQ

 

·Bổ nhiệm các cán bộ tận tâm chuyên phụ trách lĩnh vực hoạt động này, củng cố các nghiên cứu hiện nay, xác định các vấn đề còn chưa được đề cập tới và tiến hành các nghiên cứu mới.

 

·Phát hành một báo cáo toàn diện về các vấn đề của phụ nữ cao tuổi nhằm xây dựng chương trình chính sách cho 10 năm tới.

 

Sự ứng phó rõ ràng và cụ thể như vậy sẽ đảm bảo rằng phụ nữ cao tuổi và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ cao tuổi đối với gia đình và cộng đồng sẽ được ghi nhận và hỗ trợ, cũng như đảm bảo ưu tiên giải quyết bất bình đẳng giới trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời.

 

Kính thư,

 

(Các tổ chức trong mạng lưới của HAI).

 

 

Ban Quốc tế dịch

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video