Thu hồi năng lượng từ rác

25/08/2007
Hội đồng Khoa học TP.HCM vừa nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài Nghiên cứu phát triển công nghệ tái sinh năng lượng từ rác thải đô thị TP.HCM bằng các mô hình thiết bị phản ứng sinh học (bioreactor) quy mô pilot do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường thực hiện.

Theo TS Trần Minh Chí, viện trưởng và chủ nhiệm đề tài, kết quả quan trắc môi trường tại bãi rác Gò Cát năm 2003 - 2004 cho thấy thành phần chủ yếu của rác là chất hữu cơ chiếm hơn 70%, có độ ẩm cao hơn 40%. Đây là con số lý tưởng cho quá trình phân huỷ nên có tiềm năng thu hồi năng lượng bằng công nghệ phân huỷ kỵ khí rất cao. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã thiết kế chế tạo hai mô hình phản ứng sinh học theo nguyên lý cho rác tiếp xúc với vi sinh vật (kỵ khí hoặc hiếu khí) để tạo ra quá trình phân huỷ và sản sinh biogas để đưa vào chạy máy phát điện và phục vụ các động cơ đốt trong.

 

Hai mô hình này là hai bồn hình trụ đầu tròn có đường kính 2,5m và cao từ 4,5 - 5m, một ở dạng nằm (động) và một ở dạng đứng (tĩnh). Bồn dạng nằm được thiết kế nằm ngang trên trục và được quay bằng mô-tơ 5 mã lực nhằm giúp cơ chất tiếp xúc đều với vi sinh vật kỵ khí trong quá trình phân huỷ. Hệ thống giám sát nhiệt tự động hoá nhờ các đầu dò nhiệt được phân bố đều trên bồn. Bồn dạng đứng là thiết bị áp dụng nguyên lý phân huỷ bằng vi sinh vật hiếu khí, dưới đáy bồn có một lớp cát sỏi dày 0,5m để lọc nước rỉ rác, nước rỉ này được tuần hoàn trong bồn nhờ một máy bơm với công suất 25 lít/phút. Khí thoát ra ở đỉnh bồn được lọc trước khi thải ra môi trường. Đầu cuối của hai mô hình này là khí biogas, sau khi được xử lý làm sạch H2S, H2O, NH3, có sinh khối tốt, cháy tốt, mức phát công suất chỉ chênh lệch khoảng 10% so với động cơ xăng, đáp ứng được cho các động cơ đốt trong, lại rẻ và không độc hại cho sức khoẻ và môi trường.


Theo số liệu khảo sát, tại Việt Nam hiện nay có đến 95% động cơ dùng xăng hoặc dầu, nếu sử dụng nhiên liệu biogas thì sẽ giảm thải CO2 đáng kể. Công trình này hoàn thiện sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải đô thị do tốn rất ít quỹ đất, đồng thời thu được phân mùn compost và năng lượng.

(Nguồn: SGTT)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video