Thừa Thiên Huế: Giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

06/04/2016
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của tỉnh, địa vị và vai trò của phụ nữ Thừa Thiên Huế đang ngày càng được nâng lên, phụ nữ được tạo điều kiện phát huy khả năng của mình trong hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; được đào tạo tốt hơn, trình độ học vấn cao hơn, đang thu hẹp dần khoảng cách và sự khác biệt giới trong học vấn, chăm sóc sức khỏe, nghề nghiệp và tạo ra thu nhập.

Bên cạnh làm tốt vai trò hết sức to lớn trong gia đình, nuôi dạy con, phụ nữ Thừa Thiên Huế đã nâng cao về ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác xã hội; phấn đấu vươn lên, tích cực học tập, nâng cao trình độ tham gia trên tất cả các lĩnh lực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh và quốc phòng…

Sau nhiều năm phấn đấu, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ngày càng tăng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã có 8 chị là tỉnh ủy viên, chiếm tỷ lệ 15%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua đạt: cấp tỉnh 13,46%, cấp huyện 8,81%, cấp xã 19,17%.

Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của chị em, cũng như chưa đáp ứng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định tại Khoản 3 điều 8: Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch BCH TW Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Tại Khoản 1, điều 9: Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đảm bảo có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ…Chỉ thị 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nêu rõ: Bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ…theo đúng quy định của Luật Bầu cử.

Để thực hiện đúng các quy định của Luật; nâng cao năng lực và phát huy hơn nữa sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hệ thống bộ máy Nhà nước, đặc biệt là trong cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV và ĐB Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới, một số giải pháp cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây :

Phải tổ chức quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thể chế hóa trong Luật Bầu cử và các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về đảm bảo tỷ lệ nữ trong quá trình chuẩn bị ngay từ khâu đầu tiên giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu đến tất cả các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh.

Hội LHPN chủ động phát hiện, rà soát, lập danh sách cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giới thiệu nguồn nhân sự nữ của các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo trong tất cả các tổ chức phục vụ bầu cử và trong tất các hội nghị thuộc quy trình bầu cử nhất thiết phải có thành phần phụ nữ tham gia.

Việc bố trí người ứng cử cùng liên danh vào các đơn vị bầu cử phải thật sự quan tâm đến đại biểu nữ. Không kết hợp quá nhiều cơ cấu cho một đại biểu nữ ứng cử. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng về trình độ, vị trí công tác trong lập danh sách người ứng cử chính thức tại một đơn vị bầu cử.

Tổ chức các lớp tập huấn cho các ứng cử viên là nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp về kỹ năng trình bày, thuyết trình, xây dựng hình ảnh trước công chúng hết sức thuyết phục

Bản thân nữ ứng cử viên phải tự tin, tự khẳng định mình, thể hiện bản tính tốt đẹp của phụ nữ đương đại, có bản lĩnh, có tri thức, năng lực, con người của công việc. Lời nói có tính thuyết phục, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, có khảnăng giao tiếp, có khả năng đại diện cho cử tri.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những lợi ích khi phụ nữ là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; các gương phụ nữ, cán bộ nữ tiêu biểu nhằm tạo hình ảnh của người ứng cử là nữ, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác cán bộ nữ và sự ủng hộ, tín nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân trong cộng đồng dân cư đối với người ứng cử là nữ.

Mặt trận Tổ quốc và Hội LHPN cùng cấp phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát theo quy định của pháp luật về quá trình thực hiện công tác bầu cử.

Để có được người cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững, không chỉ đáp ứng yêu cầu cho cuộc bầu cử lần này mà còn tạo nguồnchủ động cho các kỳ bầu cử sau.

ThS. Võ Văn Chinh, MTTQ Thừa Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video