Tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của phụ nữ và nam giới

16/09/2010
Phần V. Vấn đề giới trong quản lý rủi ro thiên tai/thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu (2. Tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của phụ nữ và nam giới).

2.1 Tình trạng dễ bị tổn thương: Những đặc điểm và hoàn cảnh của một cộng đồng, hệ thống hoặc tài sản làm cho nó dễ bị ảnh hưởng của các tác động có hại từ hiểm họa (UNISDR, 2009)

Trong thiên tai và biến đổi khí hậu nếu xác định được nguyên nhân dẫn tới tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ và nam giới thì việc tìm ra các biện pháp giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương của từng giới sẽ giúp cho họ giảm nhẹ hoặc phòng tránh được những rủi ro của thiên tai/thảm hoạ.

Hiểm họa tác động lên phụ nữ và nam giới không đồng đều như nhau do họ các đặc điểm và mối quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ các loại hiểm họa so với nam giới. Những tác động khác nhau đó không hoàn toàn do sự khác biệt của phụ nữ và nam giới về sinh học, thể chất hay mức độ tiếp xúc với hiểm họa mà còn do tình trạng dễ bị tổn thương mang tính xã hội bắt nguồn từ các vai trò xã hội khác nhau cũng như các mô hình phân biệt giới hiện tại. Do vậy, khi phân tích tác động của hiểm họa, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận từ tình trạng dễ bị tổn thương.

ØSự khác biệt về sinh học và thể chất

ØCác chuẩn mực xã hội và hành vi theo vai trò giới (bắt nguồn từ sự phân chia quyền lực bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới)

ØPhân biệt đối xử trong việc tiếp cận các nguồn lực và sự phá vỡ các trật tự xã hội

ØVị trí kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới

Ví dụ: trong lũ lụt, phụ nữ bị chết đuối nhiều hơn vì không biết bơi do định kiến xã hội mà họ không được học bơi hoặc khả năng lưu động của phụ nữ đặc biệt trong giai đoạn cuối của thai kỳ giảm rất nhiều, chứ không phải do phụ nữ không có khả năng học bơi; trong bão, nam giới có thể bị chết nhiều hơn khi đi đánh cá trên biển mà không vào nơi trú ẩn kịp thời. Phụ nữ ít có cơ hội thu nhận thông tin nói chung và thông tin dự báo thời tiết, cách phòng tránh thảm họa nói riêng do các bản tin này thường được phát vào thời gian phụ nữ bận công việc gia đình như nấu ăn, chăm con ... Các hoạt động sinh kế của phụ nữ phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn nên cũng dễ bị tác động của các hiểm họa tự nhiên hơn.

Tương tự như vậy, BĐKH sẽ có những tác động chưa từng có lên con người, đặc biệt do sự gia tăng về số lượng và cường độ của thảm họa liên quan đến khí hậu. IPCC đã nhận định: “tác động của BĐKH sẽ ảnh hưởng không đồng đều lên các nước đang phát triển và người nghèo trong các nước đó, và do vậy sẽ làm trầm trọng thêm sự không công bằng về tình trạng sức khỏe và khả năng tiếp cận đầy đủ lương thực, nước sạch và các nguồn lực khác.”

Theo WEDO, những bất lợi mang tính lịch sử của phụ nữ - khả năng tiếp cận hạn chế về thông tin và các nguồn lực cũng như hạn chế về quyền lực trong việc ra quyết định – làm cho họ dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của BĐKH.

Ví dụ: do sự nóng dần lên của trái đất làm thay đổi hình thái thời tiết, gây ra mất mùa, phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn phải lo lắng nhiều hơn đến đến bữa ăn trong gia đình hoặc mất nhiều thời gian đi lấy nước hoặc kiếm củi hơn trước.

Mặc dù phụ nữ thường chịu trách nhiệm quản lý các nguồn lực trong gia đình nhưng đặc trưng chung là họ không có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường trong gia đình và trong cộng đồng của họ.

2.2 Khả năng: Tổng hợp các nguồn lực, điểm mạnh, đặc tính sẵn có trong cộng đồng[1], tổ chức, xã hội có thể được sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu chung (UNISDR, 2009)

Phụ nữ và nam giới cũng có những khả năng khác nhau trong việc đối phó với các tác hại của thảm họa hay thích ứng với BĐKH. Ví dụ: phụ nữ có thể có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn trong việc chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm trước mùa lũ hay việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và người già, còn nam giới có thể có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn trong việc sửa chữa, chằng chống nhà của trước mùa mưa bão.

Các hoạt động của phụ nữ và nam giới trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên như sử dụng nguồn nước và đất đai, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng và quản lý rừng, thủy sản có thể làm tăng hoặc giảm tác động của hiểm họa và BĐKH.

Mức độ tiêu thụ năng lượng và thải khí CO2 của phụ nữ và nam giới khác nhau do số lượng và các mục đích sử dụng khác nhau ở tất cả các lứa tuổi.

Mặc dù bị ảnh hưởng một cách không cân xứng từ thảm họa và những thay đổi nhanh chóng của môi trường, phụ nữ cũng đã đóng góp đáng kể vào việc kiềm chế các tác động của thảm họa và biến đổi khí hậu. Kiến thức và trách nhiệm của phụ nữ liên quan tới quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã chứng tỏ vai trò then chốt của họ đối với sự tồn tại của cộng đồng. Tuy nhiên, những đóng góp này chưa được nam giới, xã hội và các nhà quản lý ghi nhận một cách đầy đủ.

2.3 Phân loại tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng

Cả tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng đều có thể được phân thành ba loại, liên quan đến:

2.3.1Vật chất và phương tiện

  • Vị trí nhà cửa và đất ruộng của người dân và cộng đồng nằm ở các khu vực dễ xảy ra hiểm họa hay không?
  • Thiết kế và vật liệu xây dựng nhà cửa có đảm bảo sự chắc chắn không?
  • Tình trạng của các cơ sở hạ tầng cơ bản (đường xá, đê kè,...) có tốt không hay thiếu hoặc xuống cấp;các dịch vụ cơ bản (y tế, trường học, nước sạch, vệ sinh ...) có bị đầy đủ không?
  • Phương tiện phục vụ cho sản xuất (vật tư nông ngư nghiệp, nông ngư cụ, vốn, giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất hàng thủ công…) có đầy đủ hay không?
  • Các cơ chế hỗ trợ về kinh tế có đầy đủ không?
  • Các nguồn sinh kếan toàn không hay phụ thuộc vào thiên nhiên (hoặc chỉ có một nguồn duy nhất)?

Ngay cả khi bị thiệt hại trong thảm họa nhưng người dân và các tổ chức tại địa phương vẫn có thể tận dụng được một số nguồn lực sẵn có trong cộng đồng mình để khôi phục lại cuộc sống, hoặc họ có thể dự trữ sẵn lương thực, các nhu yếu phẩm để giúp vượt qua khó khăn.

2.3.2 Xã hội và tổ chức

oMối quan hệ giữa các thành viên gia đình và trong cộng đồng chặt chẽ hay lỏng lẻo?

oViệc tham gia vào các công việc của cộng đồng và chính trị của các thành viên nam nữ có bình đẳng không?

oKhả năng lãnh đạo và tổ chức khi phải giải quyết các xung đột và các vấn đề phức tạp có tính sáng tạo không?

oCó sự kì thị chia rẽ hoặc xung đột vì lý do sắc tộc, giới, địa vị xã hội hoặc tôn giáo, hệ tư tưởng, … hay không?

oDân trí cao hay thấp, thói quen tập tục còn lạc hậu hay tiến bộ (người dân ít hay nhiều có cơ hội tham gia vào các hoạt động của cộng đồng)?

oCó các tổ chức, đoàn thể quần chúng tại cộng đồng hay không hoặc các tổ chức, đoàn thể đó có kinh nghiệm hay còn non yếu, hoạt động hiệu quả hay chưa tích cực, có đầy đủ hay thiếu kỹ năng và điều kiện để thực hiện nhiệm vụ?

  • Mối quan hệ với chính quyền hoặc các tổ chức hành chính được duy trì chặt chẽ hay thường bị bỏ qua hoặc không có?

Khi xảy ra thảm họa, dù cho mọi thứ bị phá huỷ người dân trong cộng đồng vẫn còn kiến thức, kỹ năng; họ có gia đình, có tổ chức cộng đồng, có lãnh đạo và các cơ chế đưa ra quyết định để ứng phó mọi rủi ro trong thảm hoạ.

2.3.3Thái độ, động cơ

  • Cộng đồng có tư tưởnglạc quan, dũng cảm hay thụ động, chấp nhận số phận, bi quan, lệ thuộc?
  • Hợp tác thống nhất, quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau hay thiếu sự đoàn kết?
  • Có tư tưởng, thái độ tích cực hay tiêu cực?
  • Có tính sáng tạo hay thiếu sáng tạocó tinh thần đấu tranh hay không?
  • Các hoạt động tín ngưỡng mang tính tích cực, tiến bộ hay tiêu cực gây cản trở?

Thái độ, động cơ tích cực mạnh mẽ (như yêu thương, quan tâm, sẵn lòng giúp đỡ nhau...) là những khả năng để hình thành sự phát triển. Thái độ, động cơ cũng quan trọng như những nguồn lực về vật chất hay tổ chức.

Tùy thuộc vào câu trả lời cho các câu hỏi trên, dựa vào thông tin thu thập được, mà xác định mức độ dễ bị tổn thương và khả năng của một cộng đồng bằng việc đánh giá rủi ro thảm họa có phân tích về giới.

(tiếp 3. Một số vấn đề bất bình đẳng giới cần được giải quyết và thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác quản lý rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu)


[1] Cộng đồng bao gồm cá nhân, hộ gia đình và xã hội

Tài liệu lớp tập huấn về biến đổi khí hậu do TW Hội LHPNVN tổ chức năm 2010

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video