Tranh thêu tay tạo việc làm cho phụ nữ

25/12/2013
Nghề làm tranh thêu tay không quá khó, có thể thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi. Nghề này khá phù hợp với đức tính cần cù, tỉ mỉ, cầu kỳ của đa số chị em phụ nữ, nên chỉ một thời gian ngắn, mô hình tranh thêu tay đã phát triển mạnh tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm.

Dẫu còn nhiều nhọc nhằn, bấp bênh trong tằn tiện chi tiêu, song nhờ nghề làm tranh thêu tay, người dân xã Lộc Đức đã ít nhiều tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bà Lê Thị Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Đức, cho biết: Năm 2008, một số người ngoài Hà Tây vào Lộc Đức và đã mang theo nghề thêu ở quê truyền cho các chị em trong xã. Đến năm 2009, chị Đỗ Thị Đoan Trang lại dạy phụ nữ Lộc Đức nghề làm tranh thêu tay. Năm 2010, Hội LHPN xã Lộc Đức phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Bảo Lâm mở 3 lớp dạy nghề thêu tay cho 120 học viên. Từ đó đến nay, hầu như chị em nào ở Lộc Đức cũng biết thêu tranh. Hiện tại, toàn xã Lộc Đức có hơn 300 phụ nữ biết thêu.

Theo nhiều chị em ở đây, nghề làm tranh thêu tay không đòi hỏi phải kỹ thuật cao, chỉ cần thực hiện chính xác theo mẫu, giao hàng đúng hẹn là có thể kiếm từ 1.800.000 - 2.500.000 đồng/tháng. Cá biệt, như chị Trịnh Thị Thúy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thanh Bình, mỗi tháng, nghề làm tranh thêu tay đã mang về cho gia đình chị 4.500.000 đồng. Trong khi đó, công việc làm nông của chị Thúy vẫn không hề bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của đa số chị em phụ nữ Lộc Đức là “đầu ra” cho sản phẩm không ổn định, dẫn đến việc mở rộng sản xuất để tăng thêm thu nhập gặp khó khăn.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Thuần - Tổ trưởng Tổ dạy nghề thêu thôn Thanh Bình, vừa là phòng trưng bày các sản phẩm tranh thêu, vừa là lớp học thêu tranh của chị em hội viên Hội LHPN xã Lộc Đức. Chị Thuần trăn trở: “Tuy là sản phẩm thủ công, làm ra mất rất nhiều thời gian, tâm huyết, nhưng việc tiêu thụ những sản phẩm ấy lại gặp vô vàn khó khăn”. Trăn trở của chị Nguyễn Thị Thuần cũng là trăn trở chung của chị em làm nghề thêu tay tại xã Lộc Đức. Chị Nguyễn Thị Thu - người làm tranh thêu tay từ năm 2008 đến nay, nói: “Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nghề thêu đang lệ thuộc nhiều vào các chủ cửa hàng tiêu thụ, nên công việc thêu của chúng tôi cũng chỉ cầm chừng”. Theo như chị Thu cho biết, cứ 2 ngày, chị thêu xong 1 bức tranh có kích cỡ trung bình và tiền công nhận được là 150.000 đồng. Nếu tranh lớn, phức tạp hơn, tiền công sẽ cao hơn nhiều. “Nghề này càng thêu, tay nghề càng cao. Trước đây, tôi thêu chậm và hay mắc lỗi, nhưng giờ đã quen nên nhanh và chính xác hơn” - Chị Nguyễn Thị Thu nói thêm. Nhưng do vướng “đầu ra” và không tự chủ được vật tư cho bức tranh thêu, nên chừng nào nhận đơn hàng từ chị Thuần, chị Thu mới bắt tay vào làm.

Ngoài công việc dạy thêu miễn phí, hằng tháng, chị Nguyễn Thị Thuần còn phải ngược xuôi về Sài Gòn, Nha Trang, các tỉnh miền Tây, Đắk Lắk, Đắk Nông… đến từng cửa hàng tranh để tìm nơi tiêu thụ và mang đơn đặt hàng về cho các chị em làm. Trong mọi việc, chị Thuần không nề hà bất cứ việc gì, từ việc nhập chỉ thêu, vải cho đến việc giao hàng. Chồng chị thì đảm nhận công việc làm khung tranh. “Cái khó nhất vẫn là vốn. Vì nghề này vốn “chết” lớn. Toàn bộ vật tư (chỉ, vải) của bức tranh, tôi phải cung cấp trước; đến khi lấy tranh, phải thanh toán tiền công đầy đủ cho chị em. Còn bức tranh có bán được hay không lại là một chuyện khác; do đó, luôn ở trong tình cảnh thiếu vốn để tái đầu tư” - Chị Thuần cho hay. 

Chia sẻ với chị Thuần về những khó khăn, chị Trịnh Thị Thúy mong muốn: “Nếu thành lập được một hợp tác xã chuyên sản xuất tranh thêu tay, thì sản phẩm làm ra cũng dễ bán hơn và thu hút được nhiều chị em tham gia hơn”. Đó cũng là mong muốn của Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Đức. Bà Lê Thị Thu nói: Nếu công ty hay xí nghiệp nào có nhu cầu sản xuất tranh thêu tay hoặc may công nghiệp, thì liên hệ với Hội LHPN xã Lộc Đức để đặt hàng. Chúng tôi có thể sẵn sàng đáp ứng theo nhu cầu đặt hàng.

Lamdong online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video