Trợ giúp NCH tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội

03/12/2013
Chiều 29/11/2013, Mái ấm tình thân (MATT) đã tổ chức tọa đàm “Những thuận lợi, khó khăn của người có HIV (NCH) trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội. Chương trình có sự tham gia của đại diện nhà tài trợ Quỹ Unilever Việt Nam, các thành viên của MATT tại Hà Nội.

Là hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 (từ 10/11 đến 10/12) và Ngày thế giới phòng, chống HIV 1/12, Toạ đàm giúp khách hàng của MATT, NCH, người sống chung và chịu ảnh hưởng của HIV tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, có thêm kiến thức, kinh nghiệm hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong bầu không khí thân thiện, cởi mở, ấm cúng, các anh chị em đã được cán bộ của MATT cung cấp thông tin về thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội hiện nay của NCH. Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người nhiễm HIV đã được nâng cao; thái độ, hành vi của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi; người nhiễm đã được điều trị tòan diện, hỗ trợ tinh thần hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, NCH vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động tiếp cận dịch vụ y tế, pháp luật, xã hội… Trong lĩnh vực y tế, vẫn còn nhiều trường hợp NCH bị bỏ mặc không được thăm khám, phải mua thuốc kháng, thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội (NTCH) dù đó là thuốc được cấp, phát miễn phí… Trong lĩnh vực kinh tế, NCH không được tiếp cận với các nguồn vốn địa phương, bị gây khó khăn khi hưởng các chế độ bảo trợ xã hội. Ngòai ra, người có H, gia đình và người thân của họ cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn để được trợ giúp pháp luật khi cần thiết, được bình đẳng tham gia học tập, tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch… Những khó khăn này cũng được chính những người trong cuộc thừa nhận, bức xúc nêu ra.

“Có thời gian sức đề kháng thấp, bị nhiều bệnh NTCH cùng lúc như zona, nấm, tiêu chảy, người… tôi liên tiếp phải đến trạm y tế cơ sở để được thăm khám, lấy thuốc. Nhưng bác sĩ ở đấy rất khó chịu. Vừa thấy tôi là họ đã mắng “ốm gì ốm lắm thế”, họ không thăm khám cho tôi mà chỉ cho tôi một vài loại thuốc thông thường như vitamin, C rồi đuổi tôi về. Tôi rất tủi thân, mệt mỏi”, chị N.T.H, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ. Khó chịu, bức xúc như vậy nhưng chị H cũng không dám đôi co hay tố cáo bác sĩ tắc trách mà chỉ đành im lặng ra về vì sợ nếu làm ầm lên thì mọi người xung quanh sẽ biết, sẽ càng kinh sợ, kì thị, xa lánh chị và gia đình chị.

Song song với việc chia sẻ khó khăn, tìm hiểu nguyên nhân thực trạng vấn đề, các thành viên tham dự tọa đàm cũng cùng tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục, cải thiện tình trạng trên. Theo bác sĩ Trịnh Thị Huệ - cán bộ phụ trách hoạt động chung của MATT thì để việc tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội được thuận lợi thì chính bản thân NCH phải chủ động tham gia sinh hoạt nhóm, tìm hiểu thông tin về chương trình điều trị ARV miễn phí, tuân thủ điều trị, trang bị kiến thức, tham gia các buổi truyền thông tại địa phương; đến các cơ sở y tế đúng tuyến để được khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội… đồng thời, tìm đến các trung tâm chức năng để được trợ giúp khi cần thiết. “MATT chính là một địa chỉ tin cậy để trợ giúp NCH tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến HIV: Tư vấn tâm lý, dự phòng, chăm sóc điều triự, hỗ trợ pháp lý và xã hội…”, bác sĩ Huệ khẳng định. Bác sĩ Huệ cũng hướng dẫn chị em NCH tự thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội. Những ý kiến đóng góp của anh chị em sẽ được MATT tập hợp, phân tích đánh giá để đề ra chương trình trợ giúp NCH và đề đạt khuyến nghị lên cơ quan có thẩm quyền.

Kết thúc chương trình, khách hàng tham dự tọa đàm đã được nhận những món quà ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự quan tâm chu đáo của nhà tài trợ Quỹ Unilever Việt Nam.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video