Trưng bày Văn hóa Trầu cau Việt Nam

26/10/2012
Sáng 24/10, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”. Hơn 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu cho phong tục độc đáo của người Việt Nam đã được giới thiệu đến khách thăm quan.

Mục đích của triển lãm là giới thiệu nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách ăn trầu, têm trầu và bộ dụng cụ ăn trầu cũng những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ với công chúng, góp phần bảo tồn, giữ giữ giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tham dự khai mạc trưng bày có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, các khách mời Quốc tế, đại diện một số Sở, ban, ngành và đông đảo khách tham quan.

Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong triển lãm là những hiện vật có niên đại từ thời Lý như: bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau, têm trầu, khay trầu, cơi trầu. Bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quý tộc thuộc bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn là những cổ vật quý với các chất liệu vàng, bạc, ngọc… được tạo dáng, trang trí hết sức độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo. Còn bộ đồ ăn trầu của tầng lớp bình dân lại được chế tác đơn giản, bằng những chất liệu dễ kiếm như: tre, gỗ, đồng, gốm, vải. Đặc biệt, một số hình ảnh, video, bài viết về nguồn gốc tục ăn trầu của Việt Nam, cách têm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hóa trầu cau trong ứng xử, việc hiếu nghĩa, trong tình yêu lứa đôi, vợ chồng, thờ cúng… cũng sẽ được giới thiệu nhằm giúp cho du khách hiểu hơn về văn hóa trầu cau ở nước ta.

Tục ăn trầu ở Việt Nam đã có từ ngàn đời xưa, từ thời Hùng Vương và gắn với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Trầu Cau”. Văn hóa Trầu cau Việt Nam không chỉ thể hiện qua những hiện vật chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật văn hóa mà còn lắng đọng sâu đậm tình cảm con người Việt Nam, là biểu hiện phong cách Việt Nam vừa thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống.... Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự khởi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau không những là lễ vật trong các nghi lễ truyền thống như: tế tự, tang ma, cưới hỏi mà còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa anh em, vợ chồng…

Tại triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: Mỗi bảo tàng có những thế mạnh khác nhau. Tuy nhiên ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có những bộ sưu tập về bình vôi, đặc biệt là mảng những hiện vật, tài liệu, hình ảnh về tục ăn trầu của phụ nữ các dân tộc Việt Nam. Đây là những hiện vật rất là có giá trị lịch sử và tính độc đáo bởi mỗi dân tộc như Kinh, Tày, Chăm, Khơme, Xơ Đăng, Xtiêng... có những nét văn hóa trầu cau riêng. Sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lần này làm cho văn hóa trầu cau có tính phổ biến hơn. Nếu trưng bày được tổ chức với quy mô rộng rãi hơn thì không chỉ góp phần bảo tồn, giữ giữ giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam mà còn có tính liên kết văn hóa giữa các dân tộc với nhau”.

“Hình ảnh những người bà, người mẹ ngồi giã trầu, têm trầu, miệng bỏm bẻm nhai trầu, hình ảnh những dây trầu xanh mướt quấn quýt quanh thân cau từ lâu đã trở thành một phần kí ức trong em. Giờ đây, triển lãm đã làm sống lại kí ức đó, mang đến những hoài niệm về một làng quê thanh bình và yên ả, những hoài niệm về truyền thống văn hóa đã bị mai một”, em Nguyễn Văn Thủy, lớp K54 Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội chia sẻ. Em Thủy cũng cho biết thêm, là một sinh viên ngành Khảo cổ học, em mong muốn được tìm hiểu hơn về những cổ vật được trưng bày trong triển lãm lần này bởi “bản thân mỗi cổ vật là một câu chuyện về cách sống, văn hóa, tín ngưỡng của cả một đời người, một thế hệ, một dân tộc, một nền văn hóa. Bản thân những cổ vật trưng bày trong triển lãm này là câu chuyện về nền văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Chị Heather Cesarini, người Canada, khách tham quan cảm thấy may mắn được người bạn đưa đến xem triển lãm Văn hóa Trầu Cau: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi được chiêm ngưỡng các hiện vật cổ đang trưng bày tại triển lãm này. Đặc biệt, tôi được xem các chị hai quan họ Bắc Ninh hát dân ca và sau đó lại ngồi têm hình cánh phượng cho du khách chiêm ngưỡng. Nó rất đẹp và thật độc đáo mà tôi nghĩ chỉ Việt Nam mới có”.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết tháng 1/2013.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video