TYM - Hội LHPN Việt Nam khẳng định vai trò trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

15/09/2020
Đó là một trong những nội dung được bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình bày tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào sáng ngày 10/9/2020, tại Hà Nội. Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình bày tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN các chi nhánh trên cả nước, và lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính vi mô.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Chính phủ đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Chia sẻ về vai trò của tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia từ thực tiễn hoạt động của TYM, Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định: Trong thời gian qua, để đóng góp vào thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của NHNN Việt Nam, TYM đã điều chỉnh Chiến lược phát triển tổ chức tập trung vào một số nội dung như: Mở rộng phạm vi địa lý tiếp cận (đặc biệt tại vùng nông thôn và miền núi); Đa dạng hoá sản phẩm, hợp tác với các tổ chức tín dụng và fintech; tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ số.

Bà Hiền cũng nhấn mạnh 04 khó khăn chính của các tổ chức tài chính vi mô nói chung cũng như TYM nói riêng khi thực hiện tài chính toàn diện như: (1) Mở rộng tiếp cận khách hàng qua kênh phân phối dựa trên công nghệ; (2) Rào cản tiếp cận nguồn vốn trong nước vì không đảm bảo được tài sản thế chấp; (3) Hạn chế trong quy định về mức vay và đối tượng vay vốn của các tổ chức tài chính vi mô; (4) Hoạt động bảo hiểm vi mô vẫn đang trong quá trình thí điểm, chưa có nhiều khách hàng tài chính vi mô được tiếp cận.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền kỳ vọng với sự hỗ trợ của NHNN trong việc tháo gỡ các khó khăn trên, tài chính vi mô sẽ có thể tập trung vào một số nhiệm vụ sau nhằm góp phần thực hiện tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025:

  • Tăng số người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng;
  • Tăng số người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của NHNN;
  • Tăng số người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng;
  • Tăng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính;
  • Giảm số lượng giao dịch tiền mặt;
  • Tăng dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
  • Tăng doanh thu phí bảo hiểm bình quân

Với khung pháp luật, chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của tài chính vi mô và với sự quyết tâm, nỗ lực, năng động của các tổ chức TCVM, các tổ chức TCVM nói chung và TYM nói riêng sẽ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp tích cực vào tiến trình hiện thực hóa kế hoạch hành động của NHNN về tài chính toàn diện.

 

Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. 

Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Tại Việt Nam, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TYM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video