Về Đền Hùng dâng hương bái Tổ

27/04/2007
Từ sáng sớm ngày 22/4 (tức 6/3 âm lịch), hàng vạn người đã có mặt dọc các ngả đường dẫn lên Đền thờ các Vua Hùng để dự Lễ khai hội Đền Hùng và dâng hương bái Tổ.

Năm nay, lượng du khách về với đất Tổ đông hơn. Riêng trong ngày 5/3 âm lịch (trước chính hội), mặc dù trời mưa nhưng lượng du khách đổ về Đền Hùng ước tính tới trên 3 vạn người. Chính hội, như thường lệ, gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trong 3 ngày, trong đó quan trọng nhất là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ diễn ra lúc 7 giờ ngày 26/4 (tức 10/3 âm lịch). Phần hội diễn ra trong 5 ngày từ 6 đến 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa / thể thao phong phú như rước kiệu, diễn xướng dân gian, các hoạt động thể thao, hội chợ, các tour du lịch gắn với chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” và “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đặc biệt, do là năm đầu tiên người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép được bắn pháo hoa tầm cao (thay cho pháo hoa tầm thấp như mọi năm) vào 21 giờ ngày 9/3 âm lịch nên những cuộc hành hương về nơi nguồn cội của dân tộc lại càng ý nghĩa hơn.

 

Các hoạt động lễ - hội năm nay diễn ra trong phạm vi từ khu vực Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và vùng phụ cận của 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh, trong đó trung tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Các hoạt động lễ, đặc biệt là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính tại “Điện Kính Thiên” trên núi Nghĩa Lĩnh.

 

Không chỉ bó hẹp tại đền Hùng, không gian lễ hội được kéo dài đến Việt Trì và vùng phụ cận với các sự kiện: Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia và công bố quy hoạch chi tiết Khu di tích khảo cổ Làng Cả; biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; trình diễn trang phục Việt Nam theo dòng lịch sử… tại thành phố Việt Trì và Hội thảo khoa học về Làng cười Văn Lang tại đại học Hùng Vương (thị xã Phú Thọ). Các hoạt động của Triển lãm sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống tỉnh Phú Thọ và Trưng bày sản vật địa phương của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Tây, Tuyên Quang; Trưng bày tư liệu “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc”… đã sẵn sàng, phục vụ lễ khai mạc diễn ra vào sáng 23/4. Tại các xã ven núi Nghĩa Lĩnh, lễ rước kiệu với đủ phong tục cổ xưa sẽ bắt đầu từ ngày 24/4 (tức 8/3 âm lịch) về Đền Hùng...  

TTXVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video