Vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe cộng đồng

12/11/2011
Nhằm giáo dục cho người dân ý thức về tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân trong việc hạn chế lây lan dịch cúm A H1N1 và các dịch bệnh khác như tiêu chảy, viêm hô hấp cấp... ngày 15-10-2011 tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Unilever tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”.

Thực trạng vệ sinh cá nhân trong cộng đồng

Kết quả một điều tra do Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thực hiện mới đây cho thấy, 88% trường học ở nông thôn Việt Nam không có nhà vệ sinh đạt chuẩn, hơn 1/4 trường học không có nhà vệ sinh khiến cho học sinh phải đi vệ sinh trong rừng, ngoài vườn, trên cánh đồng, dọc bãi biển, bờ sông, bờ suối. Gần 50 triệu người, trong đó có 18 triệu trẻ em không được dùng nhà vệ sinh đạt chuẩn, 1/5 dân số Việt Nam đang ăn nước giếng khoan và có nguy cơ nhiễm asen. Một nghiên cứu gần đây do Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia, UNICEF tiến hành, với sự tham gia của hơn 3.300 trẻ, cha mẹ và người giám hộ tại Điện Biên, Nam Định, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Kon Tum và An Giang đã phát hiện gần 24% bà mẹ, người chăm sóc trẻ thỉnh thoảng mới rửa tay, thậm chí cũng chỉ có 15% người rửa tay với xà phòng sau khi đổ bô và rửa hậu môn cho trẻ; trong số 100 người trưởng thành (tuổi 15 - 60), chỉ có 2 người rửa tay sau khi chăm người ốm, rất ít người rửa tay sau khi chơi với vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác...

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) khẳng định, vấn đề không đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là sự phát triển và tương lai của trẻ em. Và hậu quả của tình trạng thiếu điều kiện vệ sinh là vi khuẩn, virus và ký sinh trùng nhiễm vào đất, nước, thức ăn cùng với thói quen không rửa tay đã dẫn đến tỉ lệ các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ và các bệnh nhiễm ký sinh trùng, giun sán, đau mắt hột tăng cao. Đặc biệt bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp cấp hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Gần 1/2 trẻ em bị nhiễm các bệnh giun sán. Chi phí y tế cho việc điều trị các bệnh này rất lớn.

Biến rửa tay với xà phòng thành một thói quen của cả cộng đồng

Đây là mục tiêu chính mà Quỹ Unilever Việt Nam quyết tâm thực hiện từ năm 2007 đến nay. Để thay đổi nhận thức cũng như thói quen vệ sinh, bảo vệ sức khỏe người dân, Quỹ đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành đầu tư trên 13 tỉ đồng thực hiện 73 Dự án "Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường”. Trước tình trạng bùng phát dịch cúm A H1N1, Quỹ Unilever đã trao tặng 14.000 sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn Lifebuoy cho các cửa khẩu ra vào quốc tế như sân bay, biên giới, cho các cán bộ cơ sở, cán bộ vệ sinh phòng dịch và hành khách qua lại sử dụng để hạn chế lây lan dịch bệnh. Đồng thời cung cấp trực tiếp cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương trong cả nước 15000 sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn này. Với Chiến dịch "Đến trường an toàn cùng Lifebuoy”, Quỹ Unilever Việt Nam còn cung cấp xà phòng bánh diệt khuẩn Lifebuoy cho các trường tiểu học của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhằm thực hiện mục tiêu biến rửa tay với xà phòng thành một thói quen của cả cộng đồng, nhất là người dân nông thôn tại 13 tỉnh ĐBSCL, từ nay đến năm 2012, Quỹ cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Chương trình "Hãy rửa tay với xà phòng cho đôi tay sạch khuẩn”... Nhờ có Dự án này, đến nay, số người dân hiểu được tính cần thiết phải rửa tay bằng xà phòng đã tăng từ 48% năm 2007 lên gần 74%. Số người rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh tăng từ 14,6% lên 63,8%, tỷ lệ người rửa tay xà phòng sau khi đi tiểu tiện tăng từ 0,8% lên 11,8%. Một nghiên cứu được thực hiện trong tháng 6 và 7 năm 2011 tại 15 xã thuộc 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Tĩnh cho thấy, hơn 36% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn, tỷ lệ này có tăng lên so với trước khi can thiệp gần 3%.

Nhằm phát huy hiệu quả trên, tại Lễ phát động hưởng ứng "Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, người dân, các ngành, các cấp cùng nỗ lực để đưa hành động rửa tay bằng xà phòng thành một nếp sống văn minh trong xã hội. Ông Trần Vũ Hoài, đại diện Quỹ Unilever Việt Nam cho biết, trong tháng 9 và 10, Quỹ phối hợp cùng Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức các hoạt động truyền thông, cấp phát xà phòng chống bệnh tại 25 tỉnh miền Trung và miền Nam – nơi có tỷ lệ người mắc bệnh cao. Đồng thời cam kết ủng hộ 1 tỉ đồng để triển khai Dự án thí điểm "Cùng rửa tay với xà phòng nâng cao sức khỏe bản làng” tại 53 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác.

Theo ĐĐK

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video