Việt Nam gia nhập TPP: Cơ hội và thách thức đối với lao động nữ

09/10/2015
Ngày 5/10/2015, cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất sau hơn 5 năm đàm phán. Một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới được mở ra, trong đó Việt Nam là 1 trong 12 thành viên. Đây là sự kiện lịch sử, mang đến nhiều kỳ vọng nhưng cũng hàm chứa không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, lực lượng lao động Việt Nam nói chung, trong đó có lực lượng lao động nữ vốn chiếm vai trò quan trọng.

3 ngành thế mạnh

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ tập trung vào việc giảm thuế như các hiệp định thương mại trước đây mà còn có thể thúc đẩy cải cách toàn diện để mở cửa thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các nền kinh tế. Sau khi đi vào vận hành, TPP là một khu vực thương mại tự do có hơn 800 triệu dân, chiếm khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và 40% sản lượng kinh tế thế giới. Với Việt Nam, việc tham gia TPP không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế mà còn tạo ra nhiều cải cách sâu rộng, toàn diện trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại diện Việt Nam tham gia đàm phán TPP, về kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta, nhất là đối với các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản…

Đáng chú ý, 3 ngành xuất khẩu quan trọng nói trên cũng là những ngành sử dụng hơn 50% lao động nữ, thậm chí còn có những ngành sử dụng tới 80% lao động nữ (như dệt may). Hơn thế, đây cũng là những ngành nghề thuộc nhóm “thâm dụng lao động”, số lượng lao động nữ ở đó lên tới vài trăm nghìn người. Điều đó đồng nghĩa với việc TPP sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận đông đảo lao động nữ cũng như tác động tới cuộc sống của nhiều gia đình.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Khi chúng tôi tham gia đàm phán TPP, ngành dệt may chắc chắn có cơ hội tăng trưởng cao và mang lại lợi ích cho người lao động vì đặc thù ngành này cần nguồn nhân lực lớn. Điều này có thể giúp rất nhiều cho người nghèo Việt Nam”.

Khi các cánh cửa xuất khẩu đều được “mở toang”, hàng Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào các thị trường rộng lớn, tức đơn hàng của mỗi doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể. Việc làm của người lao động được đảm bảo, đồng thời nhiều việc làm mới cũng sẽ được tạo ra, góp phần nâng cao thu nhập. Không chỉ vậy, theo phân tích của ông Vũ Huy Hoàng, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Xã hội sẽ có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đó cũng là những yếu tố quan trọng để lực lượng lao động Việt Nam nói chung, lao động nữ trong 3 ngành trên nói riêng, nâng cao năng suất lao động và cải thiện thu nhập.

Theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam hiện đang là quốc gia thu nhập khá thấp trong 12 quốc gia thành viên TPP, tức là mức lương thấp nhất. Trong đó, lao động nữ đang được trả lương thấp hơn lao động nam làm cùng vị trí công việc. Trong tương lai, với việc tham gia TPP, nếu như việc làm của số đông lao động nữ được đảm bảo, thu nhập được nâng cao thì cơ hội để họ góp phần quan trọng hơn nữa trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc sẽ là rất rõ ràng.

Sức ép cạnh tranh

Mặc dù cơ hội là rất lớn nhưng TPP cũng mang lại nhiều thách thức, khi sức ép cạnh tranh tăng lên. Theo nhận định của giới chuyên gia, chăn nuôi sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. Chăn nuôi cũng là ngành có đông lao động nữ tham gia. Có những khiếm khuyết, yếu kém về công nghệ, cùng với hạn chế về thị trường trong bối cảnh chịu nhiều cạnh tranh trực tiếp từ các nền chăn nuôi tiên tiến như Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản…thì nhiều khả năng lao động ngành này chịu nhiều thua thiệt nếu như không có cải cách nhanh chóng và triệt để.

Ngay cả với 3 ngành được coi là thế mạnh như dệt may, da giày và thủy sản, lực lượng nữ tham gia trong lĩnh vực này cũng không chỉ có được những thuận lợi. Hiện nay, sản phẩm may xuất khẩu của Việt Nam có đến gần 70% được xuất theo hình thức gia công và 30% theo hình thức bán gia công. Phần lớn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, phụ thuộc lớn về nguyên liệu. ngành da giày cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, bộ phận lớn lao động nữ ngành thủy sản có năng suất lao động khá thấp, lại thiếu ổn định khi thường xuyên dịch chuyển nơi làm việc. Lao động trong các ngành này hiện nay chủ yếu tự học, đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính. Chỉ có khoảng 15% lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo luôn xảy ra.

Vì vậy, giới chuyên gia dự báo, khi cạnh tranh tăng lên có thể khiến một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn. Kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Việt Nam đã chính thức bước vào một sân chơi mới có luật chơi khắc nghiệt và đòi hỏi trình độ cao. Vì thế lực lượng lao động Việt Nam, bao gồm cả lao động nữ, cần phải tạo được những chuyển biến mạnh mẽ về chất để nhanh chóng thích nghi, nắm bắt cơ hội và hóa giải thành công mọi thách thức.

Các quốc gia thành viên TPP gồm: Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Singapore, Mexico, Nhật Bản, Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Việt Nam.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước thành viên như: Sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động…

Nguồn: Bảo Khánh – Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video