Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

01/07/2005
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã đề ra phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Mục tiêu  "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" được TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo thực hiện  từ năm 2002, gắn với nhiều phong trào thi đua, với cách tiếp cận lấy đơn vị gia đình làm trung tâm, trong đó đề cao  vai trò người phụ nữ. Tại các đơn vị cơ sở, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến 4 tiêu chuẩn xây dựng gia  đình: "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" đến cán bộ, hội viên, phụ nữ  và  tổ chức đăng ký, bình xét  gắn với thực hiện tiêu chuẩn gia đình hạnh phúc của phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Nhiều hình  thức tuyên truyền được tổ chức gồm: tọa đàm, hội nghị  biểu dương, tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số, vai trò của phụ nữ trong gia đình, kiến thức nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình.

 

Một trong những nội dung quan trọng là tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để giúp  chương trình đạt hiệu quả. Theo thống kê của TW Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2002 đến nay đã có 114.764 hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn và tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; 315.913 lao động được đào tạo nghề ngắn hạn, 252.026 lao động được giới thiệu việc làm qua các cơ sở dạy nghề của hội. Rõ ràng, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đã từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ cùng gia đình vươn lên thoát nghèo, mang lại ấm no, hạnh phúc.

 

Các cấp Hội còn triển  khai nhiều hoạt động chăm sóc sức  khỏe phụ nữ, trẻ em và vận động các gia đình thực hiện KHHGĐ. Đó là phối hợp các ngành chức năng khám, chữa bệnh và hướng dẫn phụ nữ cách chăm sóc sức khỏe mọi người trong gia đình; cách giữ gìn nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... Đó còn là xây dựng nhiều mô hình lồng ghép như: Mô hình CLB gia đình hạnh phúc; CLB phụ nữ không sinh con thứ 3; mô hình gia đình bền vững lồng ghép dân số và phát triển... cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao thật sự lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia ở nhiều địa phương.

 

Một nội dung khác được hỗ trợ là phong trào xóa mù chữ. Từ góc độ coi  "giặc đói, giặc dốt" là nguyên nhân cản trở xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, TW Hội đã chỉ đạo các cấp Hội  tích cực thực hiện công tác xóa mù chữ trong các tầng lớp phụ nữ. Nổi bật là phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện chương trình liên tịch xóa mù chữ và hạn chế trẻ em bỏ học. Thật gian nan khi cán bộ Hội và ngành giáo dục "địu'' chữ lên non  giúp phụ nữ, trẻ em  dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa biết chữ. Bởi thoát mù chữ là phương tiện hữu hiệu để phụ nữ nâng cao hiểu biết, từng bước tiếp cận ứng  dụng  khoa học kỹ thuật trong việc làm quen các loại con giống, cây trồng  mới cho năng suất cao, cải thiện chất lượng  cuộc sống gia đình, tích cực tham gia các công tác xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tính đến nay, có gần 2 triệu phụ nữ được xóa mù chữ, hơn 150 nghìn trẻ em bỏ học được quay trở lại trường.

 

Với phương châm, lấy gia đình làm nền tảng, hướng vào thay đổi hành vi, chú trọng nhóm đối tượng trọng tâm và nhóm có nguy cơ cao, Hội  Phụ nữ đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS. Có nhiều hình thức tuyên truyền được các cấp hội tổ chức như: truyền thông theo nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp, tập huấn nâng cao kiến thức và xây dựng: mô hình gia đình  không có người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; mô hình phòng, chống ma túy từ gia đình; CLB Đồng cảm và phong trào "Phụ nữ Thủ đô không đổ rác và phế thải ra đường"...

 

Các mô hình và phong trào nêu trên đã thật sự phát huy hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, thu hút sự tham gia của hàng chục triệu phụ nữ, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Với thiên chức là người mẹ, người vợ, dâu con trong gia đình, cho dù cuộc sống có lúc, có nơi còn  khó khăn, vất vả nhưng chị em vẫn hết lòng nuôi dạy con, phụng dưỡng cha mẹ, động viên chia sẻ với chồng, con hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, lao động làm giàu cho quê hương. Nhiều chị giữ chức vụ cao trong công tác chuyên môn, xã hội nhưng về gia đình vẫn là dâu hiền, vợ đảm, người mẹ mẫu mực. Nhiều câu chuyện cảm động về những người mẹ, người vợ, tận tụy suốt đời hy sinh cho chồng, con, vượt mọi khó khăn nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi đạt thành tích cao trong học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc. Không ít chị là vợ thương binh nặng, có con bị nhiễm chất độc dioxin, kinh tế gia đình khó khăn... nhưng đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành chỗ dựa cho gia đình cả về vật chất và tinh thần.

Theo báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video