Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

01/11/2010
Tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN đã chính thức được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17.

Sau những nghị quyết, Tuyên bố đã được thông qua từ các năm 1988 (Tuyên bố về sự tiến bộ của phụ nữ trong khu vực ASEAN), 1993 (Nghị quyết về kế hoạch hành động cho trẻ em ASEAN), 2001 (Tuyên bố về cam kết đối với trẻ em ASEAN), 2004 (Tuyên bố về phòng chống buốn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực ASEAN), một lần nữa, tại ASEAN Summit 17, các nhà lãnh đạo ASEAN lại cùng thông qua một Tuyên bố quan trọng khác, nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trong các hoàn cảnh dễ bị tổn thương.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Công ước Quyền trẻ em (CRC), Tuyên bố Một thế giới phù hợp với trẻ em…; đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt đối với những đối tượng sống trong những điều kiện thiệt thòi, vùng bị thiên tai và các khu vực chịu ảnh hưởng xung đột. Tiến hành các hành động cụ thể nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em bằng cách tăng cường pháp luật nhạy cảm giới, thành lập hệ thống quản lý kiến thức khu vực… Giải quyết vấn đề tử vong bà mẹ và trẻ em, cải thiện sức khỏe sinh sản, nâng cao khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai an toàn, kế hoạch hóa gia đình an toàn và chăm sóc thai sản trong tình trạng khẩn cấp; tăng cường giáo dục và hoạt động tuyên truyền nhằm giảm tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS của phụ nữ và trẻ em. Tăng tỉ lệ phụ nữ và trẻ em được tiếp cận với nhà ở, các nguồn nước sạch, trang thiết bị vệ sinh đầy đủ, giáo dục và các nhu cầu cơ bản khác; tăng cường bảo vệ phụ nữ mang thai tại nơi làm việc.

Đối với trẻ em, các nước thành viên ASEAN cùng cam kết tăng cường sức khỏe ngay từ giai đoạn đầu thông qua chăm sóc và phát triển trẻ thơ, chăm sóc y tế và giáo dục, đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi để trẻ có thể đạt được sự phát triển cao nhất. Nâng cao chất lượng và bình đẳng giới trong giáo dục, tăng tỉ lệ trẻ đến trường, chú trọng đặc biệt tới trẻ em dân tộc, khuyết tật và có nhu cầu đặc biệt; cung cấp các biện pháp chuyển hướng giáo dục thay vì các trưng phạt để phục hồi và tái hòa nhập xã hội đối với những trẻ em phạm pháp; bảo đảm trẻ có điều kiện tiếp cận thông tin phù hợp, các hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí. Các quốc gia cùng phấn đầu thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trong khu vực ASEAN đảm bảo có quyền được sống, được bảo vệ, phát triển và quyền tham gia một cách toàn diện và hệ thống.

Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) sẽ giám sát việc thực hiện này ở các quốc gia.

Theo laodong online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video