Góp vào bản hùng ca đất nước!

27/04/2020
Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhạn ở ấp Mỹ Thới 1 (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Ở tuổi 85, hàng ngày mẹ vẫn đi chợ xa hàng cây số, vẫn lặt vặt việc nhà, làm cỏ sân vườn. Dù mẹ hầu như không nhớ trọn vẹn câu chuyện nào, nhưng những lời kể chắp nối, những cột mốc thời gian quên nhớ không rõ ràng, cũng đủ để chúng tôi cảm nhận sự hy sinh đặc biệt một đời mẹ đã trải qua.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhạn kể chuyện xưa.

Những câu chuyện hy sinh làm thành những khúc bi tráng góp vào bản anh hùng ca đất nước qua những chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập và gìn giữ hòa bình của dân tộc.

 “Cả nhà đi làm cách mạng”

Khi đất nước cần, gần như cả nhà đều đi làm cách mạng, với mẹ thì điều đó như một lẽ thường tình trong hoàn cảnh đất nước quê hương thời ấy và những mất mát hy sinh của mỗi người như một đạo lý, lẽ sống trả nợ nước non.

Và nỗi đau nén lại trong lòng mẹ cũng trở thành niềm tự hào to lớn trong ngày mẹ nhận danh hiệu cao quý Nhà nước trao tặng: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, vào năm 2014.

Trên bàn thờ giữa nhà chỉ duy nhất tấm Bằng Tổ quốc ghi công, liệt sĩ Nguyễn Văn Gia (là cha ruột của mẹ Lê Thị Nhạn, trong kháng chiến chống Pháp ông Gia khai họ khác để không ảnh hưởng gia đình), không còn lưu lại một tấm hình, di vật nào.

Đó cũng là nỗi đau đáu quá nửa 60 năm qua mẹ Nhạn luôn giữ trong lòng về người cha đã bị giặc bắt đày đi Côn Đảo, rồi hy sinh mất xác luôn ngoài đó.

Cùng bị bắt đày đi Côn Đảo còn có 3 người chú của mẹ Nhạn, sau được trở về quê hương Tam Bình, tiếp tục chiến đấu và đều hy sinh; trong đó, có 1 người chú bị giặc bắt trói đóng cọc, mổ bụng tại vùng đất Ngãi Tứ.

Anh Võ Văn Danh (sinh năm 1953) người con trai đầu lòng của mẹ Nhạn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cái Ngang anh hùng, tiếp nối truyền thống cách mạng gia đình như một lẽ tự nhiên.

13 tuổi, anh tham gia giao liên, đánh giặc ngay tại quê nhà. Còn nhỏ xíu mà người con trai đã “hăng” đi đánh giặc, mẹ “không cản nổi”. Rồi chỉ 5 năm sau Võ Văn Danh đã hy sinh vào ngày 25/3/1971, cũng ngay trên đất Mỹ Lộc quê nhà, lúc đó anh là thượng sĩ thuộc địa phương quân huyện Bình Minh.

Trước đó, mẹ Nhạn cũng nhận nhiệm vụ “mật” quan trọng trong đường dây binh vận. Mẹ móc nối với một lính đồn ở Ngãi Tứ, giúp anh nhận thức cảm tình với cách mạng, để chờ thời cơ chín muồi phối hợp với bộ đội ta đánh lấy đồn Ngãi Tứ, thu giữ hàng chục súng ống các loại.

Duy nhất tên Đồn phó chống cự quyết liệt nên cuối cùng bị tiêu diệt. Chiến công đó cũng là lý do gia đình mẹ Nhạn không thể tiếp tục ở lại quê nhà, để tránh bị giặc trả thù, năm 1968 gia đình mẹ Nhạn phải trôi dạt qua tận Campuchia sinh sống, đây cũng là lúc mẹ mang thai người con trai thứ- anh Trần Văn Sanh.

Mong một lần đến Côn Đảo

Rất tiếc là mẹ Nhạn không thể kể rành rọt những khúc quanh đặc biệt cuộc đời mình, mà chúng tôi hiểu rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh thế nào, mẹ cũng luôn hướng về cách mạng, luôn có những đóng góp hết mình, không quản ngại gian khó hy sinh.

Ngay những tháng năm trôi dạt trên xứ sở Campuchia, chỉ có thể làm thuê mướn đủ thứ để sinh sống, rồi tiếp tục những đứa con ra đời.

Tay bế tay bồng, vậy mà mẹ Nhạn vẫn liên lạc được với cơ sở bên đó, vậy là những chuyến đi đi, về về giữa Campuchia và Việt Nam, qua cửa ngõ biên giới An Giang, mẹ vừa là một người đi buôn, vừa là một đường dây cung cấp một số thuốc men y tế cho cách mạng.

Trên những chuyến xe đò từ Cần Thơ về Châu Đốc, mẹ bồng theo con gái nhỏ, lỉnh kỉnh những vật dụng quần áo, tã lót trẻ con… xếp lên trên để che mắt giặc trong những chuyến vận chuyển. Nhưng rồi có lần bị tình nghi, thấy có “đuôi” theo dõi, mẹ Nhạn phải xử lý rồi tạm thời dừng lại những chuyến qua lại biên giới nữa.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhạn kể chuyện về những người con và những người thân đã hy sinh.

Mừng vui nhất là cái ngày nghe tin đất nước thống nhất, cả nhà lại nôn nao thu dọn để quày quả trở về quê hương. Hòa bình rồi, không còn chiến tranh, vậy là không còn đổ máu hy sinh nữa.

Gia đình này, dòng tộc này đã nhiều người ra đi ngã xuống cũng là xứng đáng cho niềm vui lớn của cả dân tộc, đất nước reo vui trong ngập tràn cờ đỏ sao vàng.

“Nhưng có ngờ đâu…”- mẹ Nhạn thẫn thờ và lại cười hệch hạc- “Ui, hông nhớ gì hết”, nhưng đôi mắt lại chất chứa những nỗi niềm xa xăm lắm.

Đôi mắt già nua hướng lên cái trang thờ nhỏ bên góc phải căn nhà, có di ảnh liệt sĩ Trần Văn Sanh, người con trai duy nhất còn lại của mẹ cũng tiếp tục hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Nỗi đau mới chồng chất lên những “vết sẹo” cũ chưa kịp lành trong lòng mẹ Nhạn.

Anh Trần Văn Sanh cùng một người bạn tham gia đăng ký đi bộ đội năm 1988, là chiến sĩ binh nhất của Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330.

Ngày 19/2/1989, anh hy sinh ở chiến trường Campuchia. “Thằng Sanh nó hy sinh, tui như người khùng hổng còn biết trời trăng gì nữa.

Vợ chồng cùng 2 đứa con gái, đùm túm nhau xuống ghe đi khắp nơi cắt lúa mướn, mần thuê để mà khuây khỏa”- mẹ Nhạn kể. Mấy chục năm sau nhắc lại lòng mẹ vẫn còn đau như cắt.

Những năm tháng cuối đời, an ủi niềm vui sống cùng con cháu, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm sóc, cũng là một hạnh phúc, niềm vinh dự lớn lao cho cả gia đình.

Hỏi mẹ Nhạn còn có mong mỏi điều gì, mẹ trả lời ngay không suy nghĩ: “Không đòi hỏi gì nữa, vui lắm rồi, chỉ có một ước mơ sao cho được một lần ra thăm Côn Đảo thắp nén nhang cho người cha đã hy sinh nơi đây. Mong lắm!”

Chúng tôi ra về, thấy mẹ Nhạn đứng nơi hàng ba trông theo, tự dưng lòng cảm thấy còn cái gì đó chưa trọn vẹn, một nỗi băn khoăn không biết mẹ Nhạn rồi đây có được một lần ra Côn Đảo “thăm cha”. Ở tuổi 85, đầu óc quên nhớ thất thường, mong lắm mẹ Nhạn sớm có ngày thỏa niềm mơ ước cuối đời.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhạn (85 tuổi, ở ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), là Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của TX Bình Minh còn sống. Mẹ có 4 người con 2 trai và 2 gái. Cả 2 người con trai đều là liệt sĩ, người con trai đầu là liệt sĩ Võ Văn Danh (sinh năm 1953) đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; người con trai kế là Trần Văn Sanh (sinh năm 1968) hy sinh ở chiến trường Campuchia, trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Em ruột của mẹ Nhạn là Lê Văn Triều cũng là liệt sĩ. 

 
http://www.baovinhlong.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video