Hải Dương: 1.336 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ; xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình; đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Theo đó, các cấp Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 236 cuộc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nội dung Đề án 938 với hơn 18 nghìn hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, an toàn trên không gian mạng, phòng tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ môi trường… Riêng Hội LHPN tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn, truyền thông về kiến thức xây dựng môi trường an toàn phụ nữ, trẻ em với Chủ đề “An toàn trên không gian mạng”; kỹ năng chăm sóc trẻ dành cho cha mẹ có con từ 0 – 8 tuổi và kỹ năng tham gia giải quyết, giám sát các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tổ chức “Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương”; tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình “Mẹ đỡ đầu” và biểu dương 150 trẻ em mồ côi, cha/mẹ đỡ đầu tiêu biểu giai đoạn 2022 - 2024. Sau 2 năm triển khai Chương trình đã có 1.336 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu với số tiền cam kết trên 25,4 tỷ đồng, số tiền đã trao cho các trẻ em gần 10,6 tỷ đồng.
Hội LHPN tỉnh Giám sát Luật bảo vệ môi trường năm 2020 tại UBND huyện Cẩm Giàng
Chú trọng phát hiện, xây dựng điển hình tốt, cách làm hiệu quả, các cấp Hội đã giới thiệu được 1.167 gương phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, qua đó nhân rộng những tấm gương sáng, cách làm hay trong hoạt động Hội và phong trào phụ nữ; xây dựng 25 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, điển hình như mô hình “dạy bơi miễn phí” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng”...
Từ đầu năm, Hội đã tổ chức 17 cuộc giám sát với các nội dung: thực hiện chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Trẻ em... 23 đơn vị cấp huyện và cơ sở Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại với đại diện cấp ủy, chính quyền với 2.083 cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Có thể nói, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2018 - 2027” góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân, phụ nữ về ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó, phát huy tính chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.